Tôi biết đến Bình Liêu khá tình cờ vào một ngày cuối tháng 10 năm 2020, khi những câu chuyện phiếm về những chuyến đi phượt là đề tài chính. Giữa những cung đường nổi tiếng Đông – Tây Bắc Việt Nam, cái tên Bình Liêu xuất hiện như là một nhân tố mới đầy bí ẩn. Vừa hay thời gian đó cũng cũng là lúc cỏ lau nở trắng mọi nẻo đường của Bình Liêu. Thế là chẳng ngại ngần, chúng tôi quyết định đi ngay cho kịp. Và Bình Liêu đã chào đón chúng tôi bằng những bất ngờ thú vị.
Dù nằm trong cùng một tỉnh với những địa danh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long – di sản văn hóa thế giới, núi Yên Tử – chốn tâm linh nơi trời cao hay hòn đảo Cô Tô thơ mộng giữa biển khơi, Bình Liêu – một huyện miền núi nhỏ ở đông bắc Quảng Ninh – bao năm vẫn lặng lẽ một khung cảnh nguyên sơ, hùng vĩ miền biên viễn.

Nơi đó có đường vành đai biên giới lượn quanh núi đồi xanh ngát với những khúc cua ngoạn mục dẫn đến những cột mốc thiêng liêng đánh dấu chủ quyền Việt Nam. Nơi đó có những thửa ruộng bậc thang trùng điệp vàng óng ả khi vào mùa lúa chín. Nơi đó có chiếc cầu treo Nà Làng, những buổi chợ phiên trong những bản làng cổ của người dân tộc. Và lãng mạn hơn cả, nơi đó có thiên đường cỏ lau trắng ngút ngàn, nở rộ trên “sống lưng khủng long” mỗi độ thu về.



Bình Liêu có gì thú vị?
- Đường vành đai biên giới Việt-Trung
- Sống lưng khủng long – Cột mốc 1305
- Thiên đường cỏ lau – Cột mốc 1297
- Các địa điểm du lịch khác:
- Cầu treo Nà Làng
- Thác Khe Vằn
- Cửa khẩu Hoành Mô
- Bản Sông Moóc
- Thông tin du lịch
- Phương tiện di chuyển
- Lưu trú tại Bình Liêu
- Các món ăn đặc sản của Bình Liêu
Đường vành đai biên giới Việt-Trung
Con đường vành đai biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc ở Bình Liêu có lẽ là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam mà tôi từng trải nghiệm qua. Dài 43km với hơn 28 cột mốc biên cương ở độ cao 700m so với mặt nước biển, con đường quanh co cắt ngang các ngọn núi cao, những cánh rừng keo, rừng hồi, rừng quế ngát hương thơm, xuyên qua rất nhiều thung lũng và làng bản. Các đoạn dốc liên tục với khung cảnh thiên nhiên gây bất ngờ qua mỗi khúc cua, khiến chúng tôi không ít lần trầm trồ thán phục.


Tiết trời mùa thu miền Đông Bắc đỏng đảnh như một cô gái mới lớn. Lúc thì nắng chang chang soi rõ mọi cảnh sắc. Từng lớp núi đồi hòa cùng rừng cây tạo nên những dải màu xanh nối đuôi nhau, chạy đuổi liên tục không dứt. Và khi trời đột ngột chuyển mưa, kéo theo mây mù giăng giăng khắp lối, bức tranh thiên nhiên đầy sắc màu ấy bỗng trở nên nhạt nhòa, mờ ảo. Ngay cả con đường trước mặt cũng dường như biến mất khi tầm nhìn chỉ còn khoảng 10m.



Đứng trên đỉnh đồi lộng gió, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn đường vành đai biên giới là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Trong một khung cảnh tưởng chừng như với tới được khi mây và gió khẽ luồn qua mái tóc đem theo mùi hương cây cỏ, đường biên giới hiện ra ngoằn ngoèo phân chia bức tranh tưởng của riêng ta ra làm hai nửa. Phía bên này là của Việt Nam, phía bên kia đã là của nước bạn. Ranh giới ấy trông thật mong manh nhưng lại có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, khẳng định chủ quyền đất nước.



Sự yểu điệu của những bụi cỏ lau gieo rắc nét lãng đãng cho cung đường này, khiến nó độc đáo hơn hẳn các cung đường phượt trứ danh khác miền đông bắc. Cỏ lau ở đây cao quá đầu người với rất nhiều hình dạng khác nhau, khi thì như cây chổi lông gà, khi thì như cây phất trần của các ông tiên. Giữa bạt ngàn đồi núi, những bụi cỏ lau trông thật mong manh, ngã nghiêng bung xèo, đong đưa nhịp nhàng theo tiếng gió.



Đan xen trong khung cảnh ấy là những thửa ruộng bậc thang, có chỗ chín vàng, có nơi đã được gặt xong, còn trơ gốc rạ, khiến khung cảnh thiên nhiên vừa có vẻ hoang sơ, vừa mang hơi thở của cuộc sống con người.

Trở về danh mục “Bình Liêu có gì thú vị”
Sống lưng khủng long – Cột mốc 1305
Trong hơn 60 cột mốc biên giới ở Bình Liêu, cột mốc 1️⃣3️⃣0️⃣5️⃣ là thử thách khó khăn nhất bởi nó nằm ở trên đỉnh núi cao nhất của Bình Liêu. Chạm tay vào cột mốc này nghĩa là đã chinh phục dãy núi Mã Thông Thuận ở độ cao gần 1100m.
Được mệnh danh là “sống lưng khủng long” bởi trước đây con đường mòn trên đỉnh núi này rất hoang sơ, hiểm trở và trơn trượt. Lối đi bằng đất nhỏ hẹp “bò” trên các đỉnh đồi nhấp nhô không dứt, với độ dốc kéo dài đến tận mây xanh. Giờ đây, con đường này đã được tráng xi măng vững chắc với các bậc thang, đôi chỗ còn có lan cang và tay vịn kiên cố. Trông có vẻ đơn giản là thế, nhưng để chạm tạy đến cột mốc 1305, chúng tôi đã mất 4 tiếng rưỡi cho 2 chiều lên và xuống.

Quãng đường chỉ dài 2km này thật ra không quá lắt léo và khá an toàn bởi phần lớn thời gian bạn sẽ đi trên các bậc thang. Tuy vậy, nó cũng không phải dành cho tất cả mọi người bởi độ dốc và độ dài của nó. Hãy tưởng tượng bạn phải leo hơn 2000 bậc thang, tương đương với một tòa nhà 100 lầu. Có những đoạn dốc thẳng đứng khiến bạn nghĩ mình sẽ đến đích nếu vượt qua nó. Nhưng không, khi lên đến nơi, bạn lại thấy 1 con dốc khác, cũng cao không kém. Cái cảm giác “tưởng tới đỉnh mà hóa hư không” ấy lặp đi lặp lại vài lần, thật sự làm nản lòng không ít khách thập phương.





Hôm ấy trời âm u, mây mù trắng xóa làm mờ mọi khung cảnh. Cỏ lau đã qua mùa nở rộ, chỉ còn lơ thơ vài ngọn cỏ khô. Sóng lưng khủng long không còn cỏ lau bay phất phới mà thoắt ẩn thoắt hiện trong mây mù. Các bậc thang cứ thế kéo dài liên tục, hết con dốc này lại đến con dốc khác. Có nhiều đoạn chúng tôi như đi trong mây, vừa phấn khích tò mò không biết trên đầu dốc có gì, vừa băn khoăn tự hỏi có nên đi tiếp không khi xung quanh là một màu trắng xoá.




Rốt cuộc, chúng tôi cũng đã vượt qua chính mình, hoàn tất hành trình và đặt chân đến ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở cột mốc 1305. Điều ngạc nhiên là cột mốc này không nằm ở nơi cao nhất của ngọn núi. Đi hết các bậc thang bằng xi măng, bạn sẽ thấy 1 con đường đất dẫn xuống 1 thung lũng nhỏ, hai bên cỏ mọc khá um tùm. Đừng dừng lại, cứ tiếp tục đi thêm 5 phút nữa thì bạn sẽ đến đích.

Cột mốc 1305 trông khá bình thường, chỉ là một bia đá với 1 bên ghi chữ Việt Nam, bên còn lại ghi chữ Trung Quốc bằng tiếng hoa. Nằm ở giữa thung lũng, lại thêm mây mù bao quanh nên cảnh quang hôm ấy khá mờ ảo, hơi thất vọng. Thế nhưng quãng đường đến đây thật sự đáng để trải nghiệm, để cảm nhận vẻ đẹp của quê hương và hiểu thêm tầm quan trọng của các cột mốc biên cương.


Trở về danh mục “Bình Liêu có gì thú vị”
Thiên đường cỏ lau – Cột mốc 1297
Cột mốc 1️⃣2️⃣9️⃣7️⃣ thật ra không thuộc địa phận Bình Liêu mà thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn, giáp ranh với xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Nhưng vì cùng nằm trên đường vành đai biên giới, lại được mệnh danh là “Thiên đường cỏ lau” nên chúng tôi quyết tâm ghé qua, tìm kiếm may mắn sau 1 ngày mây mù ở “sống lưng khủng long – cột mốc 1305”. Và kết quả thật sự mỹ mãn khi chúng tôi được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đẹp nhất hành trình.

Hôm đó trời không mưa với nắng nhẹ và gió dịu mát. Những áng mây trắng như những cục bông gòn cố gắng chen chân với những vệt mây đen chỉ chực chờ biến đổi thành những cơn mưa lất phất. Vài mảng xanh hiếm hoi trên bầu trời đủ làm phong nền hoàn hảo cho bạt ngàn cỏ lau, vẫn còn đang nở rộ ở cột mốc 1297.
Quả không ngoa khi gọi nơi đây là “Thiên đường cỏ lau” bởi có xoay tròn 360 độ, cỏ lau vẫn đong đầy trong đáy mắt. Vốn là loài hoa dại, cỏ lau có thể mọc ở khắp nơi, trên vách đá, dưới bìa rừng, bên lề đường hay trên triền núi. Những bông hoa nở rộ, bung ra những hạt nhỏ màu trắng nhờ gió cuốn đi mà sinh sôi nảy nở. Có đoạn cỏ lau thấp lè tè quấn quýt dưới chân, có chỗ cỏ lau cao hơn, che khuất đầu người. Với sức sống mãnh liệt như thế, cỏ lau thường được ví von là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.




Đường đi lên cột mốc 1297 dễ đi hơn và ngắn hơn, chỉ tầm 1km với độ cao 700m. Các bậc thang thoai thoải chạy giữa những ngọn đồi cỏ lau nhấp nhô như dát bạc, uốn lượn mềm mại, dập dền như những ngọn sóng mỗi khi gió lướt qua, khiến người lữ khách như tôi cứ ngỡ mình đang được dẫn lối lên “thiên đường”.
Tuy không cao lắm, nhưng quang cảnh tại cột mốc 1297 thật sự làm mềm lòng những trái tim Việt. Bao trọn trong tầm mắt là núi non trùng điệp liền một dãy. Màu xanh của rừng cây được tô điểm bằng màu trắng của cỏ lau, ánh lên trong nắng thu vàng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng. Đứng yên lặng nơi đây, lắng nghe tiếng gió gảy trên những ngọn lau, hít thở hương cây cỏ, cảm thấy hân hoan và sung sướng về vẻ đẹp không gì sánh bằng của quê hương mình.




Trở về danh mục “Bình Liêu có gì thú vị”
Các địa điểm du lịch khác tại Bình Liêu
Cầu treo Nà Làng
Nằm giữa một khung cảnh xanh rờn của núi rừng, Cầu treo Nà Làng được biết đến như là một địa điểm ngắm cảnh ở Bình Liêu. Nối liền bản Nà Làng với thị trấn Bình Liêu, cây cầu với thiết kế cheo leo của một nhịp dây võng dài 120m này chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp và xe gắn máy, chủ yếu để kết nối giao thương cho người dân địa phương.

Bước từng bước chậm trên cầu Nà Làng, cảm nhận nhịp cầu rung mỗi khi có chiếc xe máy chạy qua là một trải nghiệm khá thú vị. Quang cảnh thiên nhiên từ trên cây cầu trông mênh mông và rất thanh bình. Mùa này cạn nước nên dòng chảy khá êm đềm, gợn sóng lăn tăn quanh các phiến đá nhỏ. Hai bên cây cối xanh um, xa xa vẫn là núi non trùng điệp miền đông bắc.

Chúng tôi rảo bước xuống tận mặt nước và khá ngỡ ngàng trước những bụi cỏ lau màu hồng pastel. Nhìn từ trên xuống, chúng trông thật bé nhỏ, đến khi lại gần, chúng cao qua đầu người. Cây cầu thì như 1 con rồng sắt nổi bật giữa bầu trời xanh.




Thác Khe Vằn
Thác Khe Vằn thuộc xã Húc Động, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 12 km. Thác cao 100m với 3 tầng rõ rệt, mỗi tầng thác lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Tầng thác đầu tiên thoai thoải với không gian rộng lớn, chính giữa có một tảng đá nhô lên tựa như một con voi đang trong thế phủ phục, xung quanh là hàng trăm những khối đá to nhỏ tạo ra một cảnh quan hoang sơ cuốn hút. Tầng thác thứ hai và ba nước chảy xiết hơn, các phiến đá phủ đầy rêu phong, trơn trượt khá nguy hiểm. Tất cả các dòng chảy đổ xuống một hồ nước trong xanh dường như có thể nhìn thấu tận đáy.

Vào mùa khô, dòng thác chảy chậm, nước được thu gọn lại thành một đường. Nhưng đến mùa mưa, nước đổ ào ào, dữ dội tạo thành bản hòa ca ngân vang khắp núi rừng. Thảm thực vật tự nhiên xung quanh thác cũng phong phú, mang lại vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ.
Ngày chúng tôi đến, có khá nhiều người dân địa phương, chủ yếu là người dân tộc, tụ tập ăn uống nghỉ ngơi dưới chân thác. Có điều, ý thức giữ gìn cảnh quan thiên nhiên còn nhiều hạn chế nên rác thải nằm rải rác khắp nơi, hơi mất mỹ quan.


Bản Sông Moóc
Nằm ở lưng chừng dãy núi cao trên 1000m, bản Sông Moóc được bao phủ bởi rừng hồi, rừng quế xanh ngát lẫn khuất trong làn mây trắng. Sự bình dị của bản làng này đến từ những nếp nhà trình tường ngói âm dương của người dân tộc Dao, những thửa ruộng bậc thang chập chùng ngả màu vàng óng, những dòng suối hiền hòa xa xa.

Tôi rất thích những buổi sáng đi dạo trên con đường làng, ngắm bình minh đang lên trên đỉnh núi phía xa, hít hà hương thơm thoang thoảng mùi hoa sở, lắng nghe sự chuyển động của một ngày mới sau tiếng gà gáy vang, cảm nhận thật rõ cuộc sống bình yên nơi đây.



Cửa Khẩu Hoành Mô
Cửa khẩu Hoành Mô là một trong những cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là nơi thông thương sang cửa khẩu Động Trung ở thành phố cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hôm chúng tôi đến cửa khẩu đang tạm đóng cửa vì dịch covic.

Trở về danh mục “Bình Liêu có gì thú vị”
Thông tin du lịch tại Bình Liêu
Bình Liêu nằm tại phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 270km, cách thành phố Hải Phòng 180km. Ngoại trừ mùa đông lạnh lẽo tuyết trắng phủ đầy các đỉnh núi, còn lại khí hậu ở đây hầu như mát mẻ quanh năm với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Mùa xuân tinh khiết màu hoa trắng với hoa đào, hoa mận Nà Làng, hoa trẩu. Mùa hè cỏ xanh hoa vàng cùng những dòng suối mát lạnh trong lành. Mùa thu lãng đãng lơ thơ cùng cỏ lau trên cung đường biên cương. Còn mùa đông lạnh lẽo tuyết trắng phủ đầy các đỉnh núi.
Không chỉ có phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, sự đa dạng về bản sắc văn hóa cũng là một nét thú vị của Bình Liêu. Là một huyện miền núi đa dân tộc, Bình Liêu có nhiều tập quán và hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Các bộ trang phục dân tộc cũng rất độc đáo và mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc. Dạo quanh các bản làng, làm quen nói chuyện với người dân xứ núi để biết thêm về lối sống của họ là một trải nghiệm dân dã và khác biệt. Tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy phụ nữ người Dao chạy xe máy trong chiếc nón dân tộc của họ. Chiếc nón cao gần 30 cm nên họ không thể đội nón bảo hiểm được.


Đi trekking tại Bình Liêu không quá khó, bạn chỉ cần có một đôi giày thể thao êm ái, sức khỏe tương đối tốt. Lưu ý nếu đi trekking những cung đường dài, bạn phải tự chuẩn bị nước uống và thức ăn vì không có nhiều hàng quán dọc đường.
Phương tiện di chuyển
Với địa hình đồi núi hoang sơ, còn nhiều thiếu thốn, Bình Liêu chưa có nhiều dịch vụ du lịch và ít phương tiện giao thông công cộng. Vì thế, để tham quan Bình Liêu, bạn cần phải chuẩn bị phương tiên di chuyển riêng. Những ai thích mạo hiểm có thể thuê xe máy tại trung tâm Bình Liêu để đi phượt các cung đường biên giới. Còn những người muốn thảnh thơi thưởng thức cảnh đẹp thì nên thuê xe hơi riêng từ các thành phố lân cận như Hạ Long, Hải Phòng, thậm chí chạy xe từ Hà Nội.
Máy bay
Sân bay gần nhất với Bình Liêu là sân bay Vân Đồn, cách Bình Liêu 75km. Từ đây có thể thuê xe hơi riêng hoặc đi xe buýt về trung tâm thành phố Hạ Long, sau đó đi tiếp xe nội tỉnh Bãi Cháy – Bình Liêu hoặc thuê xe máy ở Hạ Long.
Đường bộ
Xe khách: Từ Hà Nội hiện có xe Hưng Long và xe Kiên Đức có chuyến chạy thẳng tới Bình Liêu (các bạn sang bến xe Gia Lâm để đón). Nếu không kịp giờ các xe này, các bạn có thể đến bến xe Bãi Cháy, từ đây bắt các chuyến xe nội tỉnh Bãi Cháy – Bình Liêu
Xe hơi thuê riêng hoặc tự lái: Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 280km nên nếu đi xe hơi sẽ mất khoảng 1 ngày để di chuyển. Đi theo cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cuối đường cao tốc, đi tiếp theo hướng sang Quảng Ninh, rồi dừng lại ở nút giao Hạ Long. Từ Tp Hạ Long các bạn đi theo QL18 rồi vào QL18C để đi tiếp Bình Liêu.
Lưu trú tại Bình Liêu
Chỗ lưu trú tại Bình Liêu đa phần là các homestay tư nhân với điều kiện vệ sinh căn bản, cách hoạt động theo kiểu gia đình, nhưng rất nhiệt tình và mến khách. Quán ăn nhà hàng cũng thưa thớt và đóng cửa sớm, nên thường các homestay sẽ phục vụ luôn các bữa cơm trưa và tối cho khách du lịch. Nếu bạn đi trekking những cung đường dài, hãy tự chuẩn bị nước uống và đồ ăn vì bạn sẽ khó tìm thấy hàng quán dọc đường.
Chúng tôi nghỉ đêm tại Sông Mooc Homestay, nằm ở bản Sông Mooc với phong cảnh đồi núi và ruộng bậc thang ngay trước mắt. Phòng ốc đơn giản, sạch sẽ, anh chủ dễ thương, nhiệt tình.




Các món ăn đặc sản ở Bình Liêu
Bình Liêu có những món ăn đặc sản không thể nào quên.
- Gà đen Bình Liêu có nguồn gốc từ giống gà của người H’mông, có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon như: gà luộc, gà hấp, gà kho, nhưng ngon nhất phải kể đến món gà nướng mật ong rừng.
- Cá suối cũng là một món ăn được ưa thích bởi thịt rất chắc, thơm ngon và không tanh. Đặc biệt, khi chiên với dầu sở – một sản phẩm đặc trưng của Bình Liêu, cá sẽ ngậy, vàng ươm bắt mắt. Ăn kèm với măng chua ngâm tỏi ớt thì còn gì bằng.
- Ngoài ra còn có các loại bánh đặc trưng cho các mùa lễ hội như bánh ngải (cứu) của dân tộc Tày, hay bánh đúc.


Trở về danh mục “Bình Liêu có gì thú vị”
Chuyến đi thực hiện vào tháng 11, 2020