Nam (South), Tiếng Việt, Đi Cafe (Cafe Hopping)

Sài Gòn cà phê nhở?

English

“Đi cà phê đi” dường như là lời giải mã cho câu cửa miệng của giới trẻ Việt “Chán quá chẳng biết làm gì?”. Không cần phải tụ tập đông người, nhóm bạn hay gia đình mới đi cà phê, cũng không cần phải có lý do “bàn công việc” hay “tâm sự mỏng” mới đi cà phê, đôi khi một mình ra quán cà phê, đọc sách, học tập hay làm việc cũng rất hiệu quả và thú vị. Vì thế, đi cafe gần như là thói quen hằng ngày, là một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt.

saigon-cafe-nho-1

Trong những ngày tháng bó chân tại chỗ vì dịch Covic, tôi quyết định khám phá nét văn hóa ấy của người Sài Gòn, ngắm nghía thành phố thân thuộc của mình qua lăng kính các quán cà phê, đặc biệt là cà phê trong hẻm. Và chợt nhận ra, dường như mình sắp trở thành người xa lạ trong chính thành phố của mình mất rồi.

Mọi thứ thay đổi quá nhanh chóng. Văn hóa uống cà phê cũng khác xưa rất nhiều. Không chỉ có kiểu nhâm nhi và suy tưởng, chờ đợi từng giọt tí tách rơi của phin cà phê đen hay cà phê sữa đá truyền thống Việt Nam, đến sự tiện lợi, nhanh nhưng vẫn nồng nàn vị cà phê Ý của Espresso, Cappuccino hay Macchiato cũng đã là “old trend” khi cà phê ủ lạnh (cold brew) lên ngôi với hàng loạt những biến tấu đầy ngẫu hứng. Rồi cà phê thủ công (hand brew) quay ngược thời gian, trở lại điểm khởi đầu với nghệ thuật pha chế tinh tế, giúp giữ lại vị cà phê nguyên bản, nhẹ nhàng và thanh thoát.

Gu thưởng thức cà phê của chính tôi cũng thay đổi lúc nào không biết. Từng là một fan cứng của cà phê sữa đá đặc quánh đúng điệu, giờ tôi không thể chịu nổi vị ngọt của nó mà chuyển sang Cappucinno không đường. Chắc một thời gian nữa tôi mới bắt kịp trend “cafe ủ lạnh” hay “cà phê thủ công” khi tôi vẫn chưa “ngấm”  và cảm kích hương vị của nó.

Thế giới quán cà phê cũng vì thế mà nở rộ, mọc lên khắp phố phường, từ đường lớn đến những con hẻm nhỏ, từ không gian sân vườn rộng rãi đến cà phê máy lạnh mấy tầng lầu. Rồi những góc phố với bàn ghế kê dọc lề đường đến những căn gác chung cư bé xíu, loay hoay các ngóch ngách cầu thang mới lên đến nơi. Cứ nhẩn nha trên phố, thể nào bạn cũng lạc bước vào một quán cà phê, đôi khi nằm lẩn khuất đâu đó trong một góc nhỏ của Sài Gòn.

Phong cách thiết kế quán cà phê ngày càng phong phú và độc đáo, cập nhật theo trào lưu của thế giới. Nếu Vintage hay Retro đem lại một không gian hoài niệm miền ký ức với vô vàn những đồ trang trí xưa cũ, thì Minimalism tôn vinh nét đẹp của sự tối giản. Điểm nhấn của Industrial chính là sự thô ráp không chau chuốt mang dáng vẻ mạnh mẽ và hiện đại, trong khi sắc xanh cây cỏ của Tropical góp phần làm tươi mát gam màu lạnh của Scandinavia. Và Cafe Sách là chốn tĩnh lặng để lữ khách thả hồn vào những trang sách.

Hãy cùng tôi điểm qua 8 phong cách quán cà phê nổi bật tại Sài Gòn

  1. Phong cách Vintage
  2. Phong cách Retro
  3. Phong cách Tối Giản- Minimalism
  4. Phong cách Công Nghiệp – Industrial
  5. Phong cách Nhiệt Đới – Tropical
  6. Phong cách Bắc Âu – Scandinavian
  7. Phong cách Đông Dương – Indochine
  8. Cafe Sách

1. HOÀI NIỆM CÙNG PHONG CÁCH VINTAGE

Được khai sinh ở Pháp từ thế kỉ 15, thuật ngữ Vintage thoạt đầu dùng để chỉ những bình rượu lâu năm hay những món đồ cổ (dưới 100 năm tuổi) và (đã qua sử dụng). Dần dần, Vintage trở thành một trào lưu nổi trội trong thời trang, hội họa, nhiếp ảnh và thiết kế nội thất, như một kiểu quay ngược thời gian, “áp nguyên xi” phong cách thiết kế trong quá khứ.

Màu sắc trong các quán cafe Vintage thường nhã nhặn với sắc trắng chủ đạo, nhấn nhẹ bằng những gam màu nhạt, nhẹ nhàng. Ánh sáng vàng cùng đồ nội thất phủ màu thời gian tạo nên một dáng vẻ lãng mạn, trầm ấm mang hơi hướng cổ điển.

saigon-cafe-nho-vintage-4

Đồ trang trí là cái hồn trong phong cách Vintage, nhất định phải “Cổ” và “Cũ” từ chất liệu đến kiểu dáng. Bộ bàn ghế bạc màu, đèn chùm, tranh, poster treo tường, đồng hồ cổ, hoặc những món đồ second-hand là những chi tiết trang trí thường thấy trong Vintage.

Đến với cà phê Vintage, bạn được lãng đãng trong không khí Sài Gòn xưa, để thấy giá trị của thời gian trong từng bước chậm. Tiếng nhạc da diết văng vẳng thiết tha khiến mọi thứ trôi qua chậm hơn một chút, nhẹ nhàng hơn một chút, phần nào giúp tâm trí thanh thản hơn một chút.

Các quán cà phê mang phong cách Vintage ở Sài Gòn

  • Q1: 80’s Coffee, Cokernut, Common 9, Lacàph, L’amant cafe, Le Comptoir, Loft, Mojo, Người Sài Gòn, Paul 1932, Tản mạn, Tiệm cà phê Linh, Vintage Emporium, …
  • Q2: An Cafe Saigon, Logan Station, …
  • Q3: An Cà Phê, Ấp, B-story, Cafe Slow, Garage Coffee, In’joy Cafe & Bake, Ôtô Cafe, Passenger, Remember Me, Sori Cafe (+tropical), Vừng ơi mở ra, …
  • Q5: Angelique Bistro, Itune, …
  • Q10: Ansam, Kleine Ecke Cafe, …
  • Gò Vấp: Lava Coffee, …
  • Phú Nhuận: Chín Tám Coffee, Kho Nhà Mình, The Seat, Yesterday Piano Cafe,…
  • Chuỗi cafe: Cà phê Trứng 3T, Đá Bào Concept, Id cafe, Kohi, Runam, Tea Avenue, Tee May, Vagabond cafe, …

Xem thêm về sự Hoài Niệm của cafe Vintage ở Sài Gòn tại đây

Trở lại danh sách

2. XƯA LẪN NAY TRONG PHONG CÁCH RETRO

Retro hay bị nhầm lẫn với Vintage khi cả hai đều là những phong cách thiết kế cổ điển, mang hơi hướng của quá khứ. Retro ra đời sau Vintage, thật ra là lấy cảm hứng từ Vintage nên còn gọi là “Vintage inspired”. Nếu Vintage là phong cách của kỉ niệm, mang dấu ấn thời gian, thì Retro là phong cách hoài cổ, “ăn theo” quá khứ, mong muốn hồi sinh hoặc sao chép những trào lưu xưa cũ với những cú twist cách tân mạnh mẽ, thổi vào nét tươi mới và giúp chúng hợp thời hơn.

Màu sắc Retro là sự kết hợp đầy ngẫu hứng, đôi khi táo bạo của những gam màu rực rỡ như vàng, cam, nâu đỏ, hồng, tím (của thập niên 50-60) với sự dịu ngọt pastel như be, xanh lam, xanh biển (của thập niên 70), tạo nên nét tương phản bắt mắt với các vật dụng trang trí thời “ông bà anh”.

Đồ trang trí trong phong cách Retro không cần phải thực sự “cổ” và “cũ”, chỉ cần “bắt chước” theo kiểu dáng cũ, góp phần gợi nhớ một miền kí ức. Điện thoại bàn, màn hình TV bé xíu, bàn ủi than, băng cassette hay những cuộn phim Kodak là những món đồ “lâu ngày không gặp” của thế hệ trước, trở thành những thứ hết sức lạ lẫm, “không biết xài thế nào” đối với Gen Z.

Các quán cà phê mang phong cách Retro ở Sài Gòn:

  • Q1: Apothecary, Bâng khuâng cafe, Cakes & Ale cafe, Cà Rề Cafe, Cửa hàng Cafe 81, Góc Hà Nội, Hoàng Thị,  Lão Hạc, Little Hà Nội, Mockingbird, Tiệm nước Saigon Life, She Cafe, Things Cafe, Út Lành, …
  • Q3: Hoa Giấy, Năm Mười Mười Lăm, Saigon Retro, Ville de Saigon, …
  • Q4: Trà đá Ông Trùm, …
  • Q5: Cam Cam Kafe, Steven Tea & Coffee, The Wall coffee & beer, Yumcha Tea Room, …
  • Q7: Little chair, Dream Art Coffee, …
  • Q10: Lò Gạch cafe, Tượng Cafe Acoustic, …
  • Q11: Rim Coffee, …
  • Bình Thạnh: Cà Phơ Quán, Hẻm Café Sài Gòn, Ngách 160, …
  • Gò Vấp: Sài Gòn 80s Nhà Mình, …
  • Phú Nhuận: Cafe Nhỏ, Mưa Rào, Xô Bồ, …
  • Tân Bình: Finita, …
  • Tân Phú: Tiệm cafe Rẫy
  • Chuỗi cà phê: Cộng, Ngọt, …

Xem thêm về Nét Xưa lẫn Nay của cafe Retro ở Sài Gòn tại đây

Trở lại danh sách

3. NÉT DUYÊN TRONG PHONG CÁCH TỐI GIẢN

Trong khi Vintage & Retro sử dụng rất nhiều vật trang trí xưa cũ giúp ta xuyên không về “một thời đã xa”, thì phong cách Tối giản (Tiếng Anh là Minimalism) lại đơn giản hóa mọi chi tiết, từ đường nét, kiểu dáng đến màu sắc, chất liệu, và hạn chế sử dụng vật liệu decor hết mức có thể.

saigon-cafe-nho-minimalism-word-2

Một không gian tối giản không sử dụng quá 3 màu, với màu nền thường theo tông trắng, màu chính có thể là đen hoặc kem và màu nhấn là những gam màu nhẹ nhàng, trang nhã. Sự đồng nhất giữa tường & trần nhà là yếu tố quan trọng trong thiết kế tối giản, kết hợp với ánh sáng tự nhiên (hoặc giả tự nhiên), tạo cảm giác không gian trở nên rộng rãi, sáng sủa và thoáng đãng hơn.

Đồ trang trí trong phong cách tối giản được sử dụng rất hạn chế và có chọn lọc, thường đi theo tông màu chính. Đó chính là những điểm nhấn tinh tế, hài hòa với thiết kế tổng thể, tạo nên nét duyên dáng riêng của từng quán.

Phong cách Tối giản bắt nguồn ở Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước như là một trào lưu trong hội họa và điêu khắc, dần dần lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, thiết kế thời trang, trang trí nội & ngoại thất, … Đến thế kỷ 21, nó đã trở thành 1 triết lý sống, tôn vinh việc tạo ra một không gian “tối thiểu đồ vật nhưng tối đa hạnh phúc”.

Không chỉ dừng lại ở việc vứt bớt đồ đạc, lối sống tối giản còn là khuynh hướng giải quyết các vấn đề chỉ với những yếu tố cần thiết. Đó là tối giản mối quan hệ để loại bớt những người “quen chỉ để biết” và dành nhiều thời gian hơn với những người thân thiết. Tối giản cách giải trí để chọn đúng “chất” của riêng mình, đem lại nhiều giá trị nhân văn lẫn kiến thức. Tối giản thông tin để không bị bối rối trước quá nhiều thông tin.

Tối giản chưa bao giờ được lấy cảm hứng từ sự nghèo đói hay tiết kiệm. Người tạo ra hay sử dụng phong cách này có thể có bất cứ điều gì, nhưng họ chọn những thứ đơn giản và thanh lịch nhất, và những thứ đó chưa chắc là một lựa chọn rẻ tiền.

Các quán cà phê mang phong cách Tối giản- Minimalism – ở Sài Gòn

  • Q1: 43 Factory Coffee Roaster, Back to December, Bơ by Butterman, Boo Coffee, DOP Caffe, Dosh Doughnut, Dreamy Days cafe, Fuji Saryo, Hạ Thiên Cafe, Heimise, Ivoire Pastry (tiệm bánh), Lên Men, Maillard, Paper & I, Porapora, Seesaw Coffee, Shinbui Concept, Sillie, Soar Coffee & Wine, Soko, Soo Kafe, The B88 Coffee, Thinker & Dreamer, Trứng, Vibes Coffee, Yasa Cafe, …
  • Q2: Every Half, Melodie Cafe, Thursday’s Child, 
  • Q3: Bagua House, Bakes (tiệm bánh), Cote cafe, The Drinker, La Zero, Mapiness, Solast Cafe Saigon, …
  • Q4: D.O.M Coffee Capsule, Katholic Coffee, Le Blanc …
  • Q5: September Coffee & Cake, …
  • Q7: Anais, Le Montage, The Feine
  • Q8: Lover Cafe,…
  • Q9: Bông Gạo Coffee
  • Q10: Grams Coffee, Urs Cafe, Young Coffee & Tea
  • Bình Thạnh: Bosgaurus Coffee, De Olla Cafe, Koo Kafe, La Casa Garden, Nhà hai xẹt, Sol Cafe, Sweet Lab, Thinh Coffee, Wildest Dreams Coffee, …
  • Gò Vấp: Doryo Cafe & Tea, July Studio, …
  • Phú Nhuận: Chasu Tea & Coffee, Daeshim, Dome Kaffe, Gia Room, Kazu Kaffe, Mono Square cafe, Nhà Của Nắng, The 22 Coffee, Tosee Coffee, YOUniverse, …
  • Tân Bình: Cafe Blanc, Dumm Cafe, Hạ An Corner, Haru Cafe, Kinjo Cafe, We Cafeteria, Zeraffe, …
  • Tân Phú: H20 Tea & more
  • Chuỗi cà phê: 11:11 Cafe, Danshari, Chidori (Coffee in bed), Piko, September Saigon,

Xem thêm về Nét duyên của Cafe Tối Giản ở Sài Gòn tại đây

Trở lại danh sách

4. VẺ THÔ RÁP CỦA PHONG CÁCH CÔNG NGHIỆP – INDUSTRIAL

Nếu Minimalism tôn vinh nét duyên của sự Tối Giản thì Phong cách Công Nghiệp (tiếng Anh là Industrial) bóc trần sự tối giản ấy, phô bày mọi chi tiết một cách “trần trụi” như bản chất vốn có của nó. Bắt nguồn từ nhu cầu tái sử dụng nhà kho, phân xưởng cũ thành nhà ở vào những năm đầu thế kỷ 20 ở Châu Âu, các thiết kế Industrial mang tính tận dụng cao, cải tạo những gì có sẳn.

saigon-cafe-nho-industrial-2

Điểm nhấn của Industrial chính là sự thô ráp không trau chuốt, mang dáng vẻ mạnh mẽ hiện đại. Tường gạch thô, bê tông vỡ, nền xi măng xù xì, các thanh kim loại, đường ống dẫn, kể cả dây điện cũng được chạy nổi, lộ ra từ trần nhà. Sự “lộ thiên” của hệ thống kỹ thuật giúp “nối dài” chiều cao (vốn thường đã cao) của trần nhà, và dễ dàng sửa chữa khi cần thiết.

Màu sắc trong thiết kế công nghiệp cũng chính là màu của các vật liệu thô như bê tông cốt thép, gạch hay dầm gỗ, thường có tông trung tính, đem lại cảm giác thô kệch, lạnh lẽo. Những vật trang trí có màu sắc tươi trẻ kết hợp cùng cây xanh, ánh sáng tự nhiên qua những khung kính lớn hoặc ánh đèn vàng giúp cân bằng thị giác, làm mềm mại và ấm lên không gian của Industrial.

Sự đơn giản đến mức xù xì khiến các thiết kế của Industrial nhìn có vẻ rập khuôn và nhàm chán. Do vậy, chúng thường kết hợp với các phong cách khác để tạo ra điểm ấn tượng riêng. Nổi bật nhất có thể là hệ thống The Coffee House hay Highland khi kết hợp đầy sáng tạo giữa Industrial & Retro hay Vintage chỉ với vài chi tiết. Khi thì là những mảng tường nhiều màu sắc, tranh vẽ tay, khi thì là vài bộ bàn ghế kiểu cũ hoặc gạch bông thời bao cấp.

Cà phê mang phong cách Industrial ở Sài Gòn

  • Q1: 96B Experiment, Allure Coffee, BarXiu, Cà Zone, Coma, Infact Coffee Saigon, Lacof, Local Saigon Cafe, Manki, Nozo Roastery, Passss modern tea, Phin Xanh Caphe, S’mores Saigon, Solast Cafe Saigon, Rehab, Trạm dừng Tử Tế, Workshop, …
  • Q2: Mori, We Café An Phú (+Retro), …
  • Q3: About Life Coffee Brewers, Coffee Hut, Gióng, Ổn Áp Coffee, Shadow Lounge, Tay Mơ Space, The Cocoa Project, …
  • Q4: Lala Coffee & Tea, …
  • Q5: The Monday Coffee, The Three Coffee, …
  • Q7: The Seventh Barista, …
  • Q10: The Vanilla Saigon, Xì Gòn Phố Cafe, …
  • Bình Tân: Katifi, …
  • Bình Thạnh: Les4mor, Trốn Sài Gòn Cafe, The Workstation Coffee, UCC Coffee Roastery, Unihub Coffee…
  • Phú Nhuận: Rót Cafe,…
  • Tân Bình: Lii, Seven Days Coffee, Ticos, …
  • Thủ Đức: Owlstanding, 
  • Chuỗi cà phê: The Banned Coffee, The Bunny, Caztus Ice Blended, Cheese Coffee, The Coffee Factory, The Coffee House, Effoc, Đen Đá, Hebe Tea & Coffee, Kai, Katina, Là Việt, Ollin, Okkio (+retro), Rang Rang, S.Tix, Three O’clock, Thức, WEGO, …

Xem thêm về Vẻ thô ráp của Cafe Industrial ở Sài Gòn tại đây

Trở lại danh sách

5. XANH MÁT PHONG CÁCH NHIỆT ĐỚI – TROPICAL

Phong cách Nhiệt Đới (Tropical) chính là sự đối lập với vẻ lạnh lùng khô khan của Industrial. Lấy cảm hứng từ màu sắc tự nhiên của miền nhiệt đới với biển, trời, cây cỏ, nắng & gió, thiết kế Tropical gom cả thiên nhiên vào nhà, tạo ra một không gian xanh mát, trong lành, đem lại cảm giác thoải mái và an nhiên.

saigon-cafe-nho-tropical

Tông màu hay chất liệu trong thiết kế Tropical đều đến từ thiên nhiên. Sắc xanh chủ đạo của cây cỏ hay biển, trời hòa quyện cùng vẻ mộc mạc nâu vàng của mây, tre, nứa hay gỗ, mang đến nét chân chất và sự thân thiện với môi trường. Cho dù là ngoài trời hay trong nhà, ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa khiến không gian Tropical luôn sáng bừng, ngập nắng.

Cây cối là vật trang trí không thể thiếu trong phong cách Tropical, từ bình hoa trên bàn, cây cảnh nhỏ để bàn hoặc treo tường, đến cây lớn trồng ngoài vườn, thậm chí sử dụng cây cảnh giả, hoặc những họa tiết hoa lá trên giấy dán tường, trên vải. Những phụ kiện trang trí khác cũng rất mộc mạc và tự nhiên. Tất cả các chi tiết sẽ khiến bạn như bước vào một khu vườn ngập sắc xanh và thoảng hương cây cỏ.

Các quán cà phê mang phong cách Tropical ở Sài Gòn

  • Q1: Beanthere DIY House, Bemind, Hôm nay Cafe, Khóm, Lekima, Mộc Little Farm, Người làm vườn, Padma de Fleur, Day by Day, …
  • Q2: Aramour, Bonjour Café The Art, Dalaland Coffee, Kashew Cheese, Mầm Café, Ngôi nhà màu hồng và chiếc xe màu xanh, …
  • Q3: Anh Coffee Roastery, Barista Collective, Every Half, Len Keng, Little Cam, Mùa Coffee & Cocktail, O’Palm, Saigon Coffee Roastery, Smore Saigon Caffe, Soo Kafe, Sori garden,
  • Q7: Farmer’s Garden, Leha’s Home Cactus Garden, Lihu Garden, Nắng Rooftop, …
  • Q10: Boong Café (+ Industrial), Cư Xá Trà & Cà Phê, Vòm Coffee
  • Bình Thạnh: 3H garden, The Bali coffee & tea, Cú Trên Cây, Luia, Nắng Xanh Garden, The Terra Pot, Tròn Bistro, Ươm Art Hub, …
  • Phú Nhuận: De Tuilo, Unique, …
  • Tân Bình: Cao cafe, Hei Coffee, Hiên Cúc Trắng, Tiệm Nhà Mình, …
  • Tân Phú: H2O Tea & More (+minimalism)
  • Chuỗi cafe: Đá Bào Concept, Mơ Đi Hội, Họa Sỹ Cà Phê, …

Xem thêm về Sự Xanh mát của Cafe Tropical ở Sài Gòn tại đây

Trở lại danh sách

6. LẠ LẪM PHONG CÁCH SCANDINAVIAN

Ở nơi nhiệt độ quanh năm chưa bao giờ lạnh đến 20° như Sài Gòn, mà nói về phong cách Scandinavian của vùng Bắc Âu, nơi 20° được xem là ấm nhất, nghe có phần lạ lẫm. Tuy vậy, các ý tưởng thiết kế theo phong cách này đã vượt qua mọi sự khác biệt về địa lý và khí hậu, trở thành một trong những phong cách kiến trúc ưu việt nhất thế giới, cũng như rất được ưa chuộng bởi dân sành điệu Sài Gòn.

Scandinavia không phải là tên của một địa danh, mà dùng để chỉ một phần Bắc Âu gồm 3 quốc gia: Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Mặc cho các tranh cãi liên quan đến ranh giới của vùng Scandinavia (bao gồm hoặc không bao gồm Phần Lan, Iceland, thậm chí là vùng Greenland và một phần nhỏ của nước Nga), và những khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, sự tương đồng đến mức khó tin trong trang trí nội thất của các quốc gia này đã khiến Scandinavian được công nhận là một phong cách thiết kế độc lập, chuẩn mực cho sự sang trọng và nhã nhặn.

Tiêu chí quan trọng nhất trong phong cách Scandinavian là việc dung hòa giữa THIẾT KẾ ĐƠN GIẢN, TÍNH THẨM MỸ SỰ TIỆN DỤNG. Khí hậu lạnh lẽo tự nhiên của vùng đất Bắc Âu có ảnh hưởng rất lớn đến việc định hình phong cách này, tạo nên những dấu hiệu nhận biết đặc trưng.

Màu trắng của tuyết luôn là màu chủ đạo trong các thiết kế Scandinavian. Nó giúp những căn nhà nhỏ ven biển trông rộng rãi và thoáng đãng hơn. Đồng thời màu trắng cũng có khả năng tương phản ánh sáng cao, rất thích hợp cho mùa đông thiếu sáng. Những màu sắc của tự nhiên như màu gỗ, màu đất, màu xanh của biển được dùng làm điểm nhấn như là cách người Scandinavia đem cả thiên nhiên vào nhà.

Đồ nội thất và các vật dụng trang trí cũng thiên về hướng thô mộc, được làm từ gỗ hoặc đá, có các họa tiết đường nét cực kỳ đơn giản, đề cao sự thanh lịch và đem lại cảm giác ấm áp. Không gian chuẩn Scandinavian không thể thiếu một bộ sofa với chiếc chăn len dày hoặc lông thú vắt ngang, một tấm thảm hoa văn kiểu Ma Rốc và chiếc lò sưởi. Cây xanh là nhân tố không thể thiếu, đem lại nguồn sinh khí tươi mát cho những ngày mùa đông giá rét.

Ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng trong phong cách Scandinavian. Để tận dụng hết các nguồn sáng tự nhiên hiếm hoi của mùa đông Bắc Âu, hầu hết các thiết kế theo phong cách này đều có khung cửa sổ rộng với rèm mỏng màu trắng. Ánh sáng nhân tạo có thể đến từ các bóng đèn thả treo trần như đèn mây, đèn chao đồng hay đèn lồng giấy. 

Chính vì tập trung vào các đường nét sạch sẽ, tối giản, kèm thêm phông trắng tinh tươm, Scandinavian thường bị nhầm lẫn với Minimalism. Ánh sáng chan hòa cùng cây xanh tươi mát cũng khiến Scandinavian dễ bị nhầm lẫn với Tropical. Thật ra, ở Sài Gòn chưa có một quán cà phê nào đúng chuẩn Scandinavian, chỉ có vài quán gần giống phong cách này, hoặc là một sự kết hợp tuyệt vời giữa Minimalism & Tropical.

Các quán cà phê gần giống phong cách Scandinavian ở Sài Gòn

  • Q1: Oromia
  • Q3: Fecilité, Leha’s Home Cafe, Sargon Cafe & Bistro, …
  • Bình Thạnh: Fika Getogether, Le Ciel, Mujo Coffee & Restaurant
  • Phú Nhuận: Il Mio, …

Xem thêm về Sự Lạ Lẫm của Cafe Scandinavian ở Sài Gòn tại đây

Trở lại danh sách

7. ĐÔNG-TÂY GIAO HÒA Ở CAFE PHONG CÁCH ĐÔNG DƯƠNG

Thuật ngữ “Đông Dương” có lẽ không còn xa lạ với người Việt Nam. Đó là cách mà nước Pháp dùng để gọi các nước thuộc bán đảo Đông Nam Á (bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia) trong công cuộc xâm chiếm lãnh thổ của họ. Trong suốt thời gian dài bị Pháp đô hộ, Việt Nam cũng như các nước thuộc địa đã chịu ảnh hưởng đáng kể của Pháp đến nhiều mặt của xã hội, như văn hóa, kiến ​​trúc, ẩm thực, tôn giáo, kể cả thời trang và nghệ thuật.

Trong kiến trúc, “phong cách Đông Dương” (hay tiếng Pháp gọi là Indochine) là sự giao thoa hài hòa giữa thiết kế hiện đại, lãng mạn cổ điển của Pháp với nét mộc mạc, giản dị đậm chất truyền thống Á Đông của các nước Đông Dương. Bắt nguồn từ những kiến trúc chỉnh chu mang từ Pháp sang, các KTS người Pháp đã nhiệt đới hóa cho phù hợp với khí hậu, tập quán sinh hoạt cũng như truyền thống văn hóa của người bản xứ. Các công trình kiến trúc mang đậm phong cách Đông Dương vẫn còn trường tồn khắp Việt Nam như Nhà Hát Lớn Hà Nội, Nhà Hát Thành Phố HCM, Bưu điện Thành Phố, Dinh Độc Lập, Phủ Chủ Tịch, các Bảo Tàng và văn phòng chính phủ, … 

Màu sắc chủ đạo trong phong cách Đông Dương thường là những gam màu trung tính, như vàng, nâu, kem, trắng, mang tính trang nhã, lịch thiệp nhưng không kém phần sang trọng của kiến trúc Pháp. Điểm nhấn sẽ là những tông màu nóng nổi bật, đặc trưng của miền nhiệt đới như cam, vàng, đỏ, xanh lá, … Nét tinh tế của phong cách Đông Dương nằm ở sự kết hợp các tông màu này với các vật liệu thô mộc đậm chất Á Đông như gỗ, tre, mây, gạch bông. Chính điều này khiến tổng thể kiến trúc trở nên gần gũi thân quen với người Việt.   

Phong cách Đông Dương rất chú trọng đến chiều sâu, giá trị của họa tiết trang trí, thường mang màu sắc văn hóa bản địa như họa tiết tứ linh (long, ly, quy, phượng), hoa văn thời Đông Sơn, hoa sen, hoa lá cách điệu, hình kỷ hà, tĩnh vật, hình khối đơn giản,… Gạch bông lát nền hay ốp tường với hoa văn nổi bật cũng là một chi tiết không thể thiếu trong phong cách Đông Dương.

Các quán cà phê mang phong cách Đông Dương ở Sài Gòn

  • Q1: Ambrosia Cafe Bistro, A Priori Coffee House, Cô Ba Sài Gòn, Le Saigonais, Le Comptoir, The Letter Coffee-Indochine,…
  • Q3: The Hummingbird Alchemy, Đường Cà phê, Vị, …
  • Bình Thạnh: Amhaus Home cafe, Wee Living Room, …
  • Gò Vấp: Indochine cafe, …
  • Chuỗi cafe: L’usine

Xem thêm Nét giao hòa Đông-Tây của cà phê phong cách Đông Dương tại đây

Trở lại danh sách

8. YÊN CÙNG CAFE SÁCH

“Cà phê” và “Sách” dường như có rất nhiều điểm chung. Cà phê để khởi động một ngày mới, sách là nơi bắt đầu những ý tưởng mới. Đi cà phê để kết nối bạn bè, còn đọc sách giúp ta kết nối với thế giới kiến thức rộng lớn. Hương vị của một tách cà phê ngon sẽ giúp bạn nhớ mãi về một khoảng khắc nào đó trong cuộc sống, cũng như một cuốn sách hay có thể thay đổi cuộc đời của một con người.

saigon-cafe-nho-cafesach

Có từ rất lâu ở Châu Âu, ý tưởng Café Sách là sự kết hợp hoàn hảo của 2 không gian truyền thống: thư viện và quán cà phê. Đây là nơi bạn có thể trút bỏ mọi xô bồ, náo nhiệt để “lạc trôi” vào từng con chữ, trong khi nhâm nhi vị cà phê yêu thích. Cafe Sách không đơn thuần chỉ dành cho những người yêu sách, mà là một không gian trầm lắng dành cho tất cả mọi người, để được an yên, bất kể những việc mình làm có liên quan đến sách hay không. Điểm thú vị là café sách không nhất thiết phải tĩnh lặng như một thư viện, nhưng không bao giờ ồn ào như một quán cà phê.

Cafe Sách ở Sài Gòn rất đa dạng. Nơi thì hoàng tráng, thoáng mát với các kệ sách cao ngất ngửa, chỗ lại ấm cúng với những góc nhỏ xinh xắn. Nơi thì sáng trưng với bàn ghế kê kiểu thư viện, chổ lại phá cách với muôn kiểu nằm ngồi thoải mái.

Vốn dĩ văn hóa đọc sách vẫn chưa phải là niềm tự hào của người Việt, nên rất ít người đến Café Sách để thực sự đọc sách. Đa phần, khách ghé quán cần một không gian bình yên, như là khoảng lặng giữa ồn ào Sài Gòn, để suy nghĩ, học tập hay làm việc. Những cuộc chuyện trò nếu có cũng là những thanh âm rù rì nho nhỏ, thêm chút dư vị cho Café Sách.

Các quán Cà phê Sách ở Sài Gòn

  • Q1: Bản cafe, Đẹp Cafe (Đường Sách), Chiêu Cafe Sách, Soo Kafe Bến Thành, Reading Cabin (Phòng đọc sách),..
  • Q2: The Lib Coffee & Books, Haven Book Cafe, …
  • Q3: An Book Cafe, Cafe Nhà Sách Cá Chép, Kafka Bookstore, The Wiselands, …
  • Q10: Calmsense Book Cafe
  • Bình Thạnh: Mọt Cà phê Sách, Nhã Nam Book N’ Coffee,…
  • Phú Nhuận: Nhã Nam Thư Quán,…
  • Tân Bình: Cafe sách Huy Hoàng, EMC Book Café, Slowee Coffee & Book, …
  • Tân Phú: Rosaria Books & Coffee, …
  • Chuỗi quán cà phê: Phương Nam Book Cafe

Xem thêm về Cafe Sách ở Sài Gòn tại đây

Trở lại danh sách

Đọc thêm các bài viết liên quan

7 bình luận về “Sài Gòn cà phê nhở?”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s