Đi Croatia, một nước Châu Âu tiên tiến, có gì mà phải cần bí kíp. Ấy zậy mà không dễ dàng đâu nha. Chuyện visa như bi hài kịch. Chuyện thuê xe scooter cũng vui đáo để. Chuyện đi tới đi lui 1 trạm thu phí những 3 lần là có thiệt nha. Muốn đi road trip ở Croatia thông thoáng và an toàn, hãy bơi vào bí kíp dưới đây của tôi nhé.
Bí kíp đi road trip ở Croatia
- Visa Croatia
- Vé máy bay
- Thuê xe hơi
- Thuê xe máy
- Phương tiện di chuyển công cộng
- Các thông tin khác: Khách sạn, ăn uống, tiền tệ
1. Visa Croatia – Chuyện thật như đùa
Tưởng cũng đơn giản như bao lần đi Châu Âu khác, thủ tục xin visa vô Croatia là một câu chuyện bi hài, “thật như đùa” đối với nhóm “xê dịch” giàu kinh nghiệm như chúng tôi.
Croatia không nằm trong khối Schengen, nên muốn vào Croatia chỉ có 2 cách: xin visa trực tiếp tại nước này hoặc có visa nhiều lần (multi entries) của Schengen còn hiệu lực.
Tôi may mắn nằm ở vế sau trong khi đồng bọn phải truân chuyên ở vế đầu. Thật ra, chúng tôi cũng tìm xem có dịch vụ nào xin được Multi entries của Schengen không, nhưng không có cty nào đảm bảo điều đó. Cả nhóm ai cũng đã từng đi Châu Âu nên việc có visa Schengen là chuyện trong tầm tay. Chỉ có điều, cái chúng tôi cần là multi entries. Haizz.
Các bước nộp hồ sơ visa Croatia:
- Nếu bạn ở HCMC, xin chúc mừng vì bạn sẽ có một chuyến về thăm thủ đô bắt buộc khi hồ sơ phải được nộp trực tiếp tại VFS Hà Nội, duy nhất một ngày thứ 4 hàng tuần.
- Thời gian xét duyện visa theo quy định là 15 ngày làm việc.
- Passport sẽ được gửi từ VFS Hà Nội qua Đại sứ quán của Croatia ở Indonesia.
Trên thực tế, các bạn tôi đã mất gần 1.5 tháng mới có visa. Do chỉ trừ hao thời gian 3 tuần để xin visa, chúng tôi buộc phải hủy các booking khách sạn cũng như vé máy bay, bảo hiểm du lịch (khi đến hạn chót hủy booking), trong khi ĐSQ vẫn chưa xem xét đến hồ sơ của chúng tôi. Thông thường, ĐSQ sẽ không kiểm tra chéo với các khách sạn và các hãng máy bay. Thế nhưng, ĐSQ Croatia đã làm điều đó và yêu cầu chúng tôi phải book lại toàn bộ giấy tờ. Dời lịch trình đi và book lại giấy tờ tới 3 lần, hồ sơ của chúng tôi mới được phê chuẩn.
Chính vì vậy, điều quan trọng nhất các bạn cần lưu ý là hãy nộp hồ sơ xin visa ít nhất là 1.5-2 tháng trước ngày khởi hành.
Hồ sơ xin Visa Schengen: Tham khảo hồ sơ tiêu chuẩn tại bài viết Tất Tần Tật bí kíp xin visa Schengen. Tuy nhiên, việc có visa nhiều lần tùy thuộc vào sự may mắn của bạn.
Hồ sơ xin Visa Croatia: Ngoài các hồ sơ tiêu chuẩn như yêu cầu của visa Schengen, nếu xin trực tiếp với Croatia, bạn cần lưu ý những giấy tờ sau:
- Lịch trình du lịch: Hãy lên lịch trình đơn giản, cách ngày xin visa từ 1.5-2 tháng
- Đặt phòng khách sạn: Đương nhiên, bạn sẽ đặt loại phòng có thể hủy được, nhưng hãy chọn thời hạn hủy cách xa thời gian nộp hồ sơ. Bạn phải giữ những booking này cho đến khi nhận được phản hồi từ LSQ Croatia. Nếu bạn hủy trước thời gian đó, họ sẽ yêu cầu bạn gửi lại booking mới.
- Đặt vé máy bay/ bảo hiểm du lịch: tương tự như khách sạn
Trở lại danh sách bí kíp
2. Vé máy bay
Hiện tại, chưa có đường bay thẳng từ các thành phố lớn của Việt Nam (như HCM, Hà Nội, Đà Nẳng) đến các thành phố lớn của Croatia (như Dubrovnik hay thủ đô Zagreb). Đó là một hành trình dài khoảng 15-20 giờ bay.
Chúng tôi đã mua vé của hãng Turkish airline, bay đến Dubrovnik và bay về từ Zagreb. Cả hai chiều đều quá cảnh ở Istanbul. Chuyến bay có thời gian di chuyển hợp lý nhất với giá vé là $850. Những hãng hàng không khác có thể lựa chọn là British airway hoặc Emirate.
Trở lại danh sách bí kíp
3. Thuê xe hơi ở Croatia
Đặt xe trước: Bạn nên book xe trước khi đi vì giá tốt hơn và có nhiều lựa chọn về nhãn hiệu và loại xe. Các đại lý cho thuê xe đưa ra những mức giá tương tự nhau, hãy xem một vài hãng để so sánh mức giá.
Đường xá:
- Đường xá ở Croatia rất tốt và rộng rãi. Đường bên trong các thành phố lớn thì khá đông đúc, nhưng đường xa lộ lại thông thoáng và ít xe.
- Tốc độ tối đa trên cao tốc là 130km/h, thông thường là 100km/h. Tuy nhiên, rất nhiều xe chạy nhanh hơn tốc độ quy định.
- Lưu ý các lối exit/ ngã rẽ thường sát bên nhau nên rất dễ quẹo nhầm hướng. Chúng tôi đã đi nhầm 1 lối exit, dẫn đến việc đi qua đi lại 1 trạm thu phí tới 3 lần. Vì thế, bạn không chỉ để ý đến các biển báo trên cao, mà còn phải nhìn xuống mặt đường, vì tên của các lối rẽ được viết rất to trên mặt đường
- Trạm thu phí: khi vào 1 đường có thu phí, bạn chỉ cần nhấn nút lấy thẻ, đến khi ra khỏi đường đó thì mới có nhân viên thu tiền. Bạn có thể trả bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.
Loại xe: Xe ở Croatia là xe tay lái thuận như ở Việt Nam. Chúng tôi thuê 1 chiếc xe SUV 5 chỗ cho 4 người (vì có 4 vali trung+ 4 ba lô) của hãng SIXT với giá là 1.8 triệu/ngày cho 6 ngày, bao gồm gói bảo hiểm cơ bản, chưa tính tiền xăng.
Bằng lái: Bạn có thể sử dụng bằng lái xe được cấp bởi quốc gia của bạn kèm theo giấy phép lái xe quốc tế. Giấy phép này có thể xin online tại Việt Nam, giá tiền đâu đó 250k VND, tham khảo đường link này nhé : Giấy phép lái xe quốc tế .
GPS: Bạn không cần thuê GPS mà có thể sử dụng Google Map để định vị và tìm đường vì sóng 3G/4G khá tốt. Xe của tôi thuê có tích hợp luôn GPS.
Bảo hiểm xe: Có nhiều gói bảo hiểm kèm theo khi thuê xe. Lần này, tôi chỉ mua bảo hiểm cơ bản vì thời gian chạy xe chỉ có 6 ngày, và điều kiện đường xá khá tốt. Gói này sẽ mất thời gian hơn một chút vì bạn phải kiểm tra xe lúc nhận và trả xe, nhưng giá hợp lý hơn.
Thủ tục nhận và trả xe khá đơn giản. Với Sixt, họ có văn phòng ở các thành phố lớn nên chỉ cần nhận xe và trả xe trong giờ quy định. Chúng tôi nhận xe tại văn phòng của Sixt ở thành phố Split, và trả xe tại thủ đô Zagreb.

Trở lại danh sách bí kíp
4. Thuê xe máy ở Croatia
Xe máy là phương tiện di chuyển khá phổ biến tại các thị trấn nhỏ hoặc trên các hòn đảo, vừa tiện lợi lại vừa thú vị. Việc thuê xe máy không cần phải đặt trước vì thủ tục khá đơn giản, có nhiều điểm cho thuê và họ luôn có sẳn nhiều loại xe.
Tuyến đường chạy xe máy: Hãy tìm hiểu kĩ về những tuyến đường để quyết định nên đi xe máy hay xe hơi. Trên đảo Hvar, đường làng quanh co với một bên là biển, một bên là núi. Chạy xe máy rất thú vị khi vừa được ngắm quang cảnh thiên nhiên ngoạn mục, vừa được hít thở không khí mát lành. Trong khi đó, đường đi từ Split đến làng Trogir là đường cao tốc, đi chung với xe hơi có tốc độ cao nên rất nguy hiểm và căng thẳng.
Loại xe: Có rất nhiều loại xe, phổ biến là xe máy 50 cc (như xe chúng tôi thuê), có cả xe điện, xe máy 125cc và xe dạng địa hình (Squad – 4 bánh).
Bằng lái: Bạn có thể sử dụng bằng lái xe máy hoặc xe hơi được cấp bởi quốc gia của bạn. Tuy nhiên bằng lái này phải có tiếng Anh (hoặc song ngữ). Chúng tôi không mang theo bằng lái xe máy, nên dùng bằng lái xe hơi. Tuy nhiên, với bằng lái xe hơi, tôi chỉ có thể thuê được xe máy 50cc mà thôi.
Trở lại danh sách bí kíp
5. Phương tiện di chuyển công cộng
Ở các thành phố lớn như Zagreb hay Dubrovnik, sử dụng phương tiện công cộng tiện lợi hơn thuê xe vì rất khó tìm chổ để xe. Xe bus & xe Tram khá phổ biến. Chúng tôi thường chỉ đi bộ loanh quanh ở phố cổ, nên cũng không sử dụng nhiều đến chúng.
Phương tiện công cộng duy nhất mà chúng tôi sử dụng là tàu thủy để đi từ Dubrovnik tới đảo Hvar, và từ Hvar đến Split. Tàu thủy chạy rất êm với trang thiết bị hiện đại, chổ ngồi rộng rãi và sạch sẽ. Tuy nhiên bạn nên mua vé online trước ngày đi để chắc chắn là bạn có chổ trên tàu.
Trở lại danh sách bí kíp
6. Các thông tin khác
Tiền tệ
Croatia có đồng tiền riêng là Kuna, tỉ giá khoảng 3500 đồng cho 1 Kuna. Tuy nhiên, họ chấp nhận Euro với tỉ giá khá tốt. Vì vậy, bạn không cần phải đổi tiền Kuna mà có thể tiêu dùng bằng Euro. Họ thích sử dụng tiền mặt hơn Thẻ tín dụng, vì vậy bạn phải chuẩn bị tiền mặt khi đi du lịch Croatia.
Khách sạn:
Điều đó thực sự phụ thuộc vào ngân sách và sở thích của bạn vì có rất nhiều lựa chọn. Nhóm chúng tôi 4 người nên thường chọn các căn hộ 2 phòng ngủ, kèm bếp và phòng khách, diện tích rộng rãi và thoải mái hơn. Dưới đây là danh sách các khách sạn tôi đã ở trong chuyến đi (book qua booking.com hoặc Agoda).
- Dubrovnik: Căn hộ Dreams Stradun Apartments, nằm ngay trên trục đường chính của phố cổ, có cửa sổ nhìn ra đường với giá là 465 Euro/ 3 đêm/ 4 người
- Hvar: Căn hộ Sweet Dream trong phố cổ, gần bến tàu, với giá là 200 Euro/ 2 đêm/ 4 người
- Split: Căn hộ Best of Split apartment, trong phố cổ với giá là 150 Euro/ 2 đêm/ 4 người
- Plitvice: Căn hộ Flora house, cách cổng vào số 1 của công viên Plitvice 10 phút đi bộ, rất mới và xinh xắn với giá là 260 Euro/ 2 đêm/ 4 người.
- Rovinj: Căn hộ Apartment Meynuel, trong phố cổ, xinh xắn nhưng leo lầu hơi cao (ở tầng 3) với giá là 230 Euro/ 3 đêm/ 4 người.
- Zagreb: Căn hộ Main square hostel, siêu rộng trong phố cổ, với giá là 145 Euro/ 2 đêm/ 4 người.
Ẩm thực
Thức ăn ở Croatia khá phong phú với các loại thịt và hải sản, đặc biệt là các loại cá.
- Chúng tôi đã thử rất nhiều các món cá khác nhau và phát hiện rằng không phải chổ nào cá cũng tươi và ngon.
- Con vẹm (mussle) nhỏ xíu và không ngon dù đã thử 3 lần, trong khi mực rất tươi và thơm. Món mực đen là một đặc sản của Croatia
- Các món pasta nhạt nhẽo, không đầy vị.
- Trái cây khá đa dạng, đặc biệt là trái vả tươi hái trên cành, thơm ngon kì lạ. Nho thì toàn hạt còn dưa hấu thì siêu to khổng lồ.
Chuyến đi thực hiện vào tháng 9, 2019
Đọc thêm về Croatia
-
Croatia – Một Châu Âu không kiểu cách
-
Dubrovnik – Leo tường thành ngắm mái nhà
-
Lướt scooter dạo Hvar yên bình
-
Plitvice – Biêng biếc miền lam xanh
Nhin laihinh thay may dia ca hap dan qua!! Chep chep…
ThíchThích