Người ta đã dành tặng cho vẻ đẹp trong trẻo của Plitvice – Công viên quốc gia rộng nhất và lâu đời nhất Croatia – bằng nhiều mỹ từ như “Vườn Địa Đàng”, “Ngọc lục bảo của Châu Âu” hay “Thiên đường nơi hạ giới”. Riêng với tôi, Plitvice hiện ra mộc mạc và “đời” hơn, nơi tôi có thể chạm vào mọi thứ, chứ không phải xa xôi tận chốn thiên đường. Và tôi muốn gọi nó bằng một cái tên bình dị hơn – MIỀN LAM XANH.
Đó là một khung trời biêng biếc với đủ đầy cung bậc màu xanh. Mặt hồ xanh ngọc dịu kì phản chiếu trong veo sắc lá xanh, tô điểm đây đó chút cam vàng lúc chớm thu. Bầu trời xanh ngát không một gợn mây cùng không khí se lạnh, trong lành hương cây cỏ. 90 thác nước lớn nhỏ đầy uy lực, cuồn cuộn chảy quanh những phiến đá phủ đầy rêu xanh, để rồi tất cả kết nối vào 16 hồ nước nhiều tầng trong vắt, phẳng lặng và bình yên cứ như chưa từng cuộn trào mãnh liệt trước đó.


Tôi rảo từng bước chậm, lặng lẽ chiêm ngưỡng màu nắng trong veo, sắc trời xanh mướt, hít lấy hít để mùi thiên nhiên dịu ngọt, lắng nghe điệu nhảy tí tách của nước, thả lỏng mọi giác quan, cứ thế nhẹ nhàng hoà mình vào không gian biêng biếc một màu ấy.
Vẻ thần tiên trời phú
Công viên Plitvice (đọc là P-lít-vi-xê) là một tạo tác vĩ đại của thiên nhiên khi toàn bộ thảm thực vật hoang sơ rộng gần 300 km2 được hình thành thần kì qua hàng ngàn năm. Biến đổi địa chất và sự hợp lưu thủy văn đặc trưng ở vùng đất này vẫn liên tục diễn ra, dần dần tạo nên những lớp đất đá thiên nhiên, ngăn những dòng chảy từ các ngọn núi cao thành hàng loạt thác nước và hồ nước, sắp xếp phân tầng một cách tự nhiên, nhưng hết sức độc đáo. Với vẻ đẹp thần tiên trời phú ấy, công viên Plitvice đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới từ năm 1979.

16 hồ nước có tên và vô vàn những hồ nước không tên liên thông với nhau, hồ này chảy xuống hồ khác, được phân thành 2 tầng chính: Hồ thượng lưu và Hồ hạ lưu. Dù ở độ cao nào, các hồ nước này đều có những sắc xanh rất đặc biệt, từ màu xanh lục, xanh lam, xanh ngọc đến xám hay xanh dương. Màu sắc thay đổi đa dạng tùy thuộc vào số lượng khoáng chất và vi sinh vật trong nước, lẫn góc phản chiếu của ánh sáng mặt trời.
Những khoáng chất này theo dòng chảy qua các lớp đất đá thiên nhiên, làm vôi hóa mọi thứ mà nó chạm đến. Vì thế nước trong các hồ luôn trong veo, soi thấu những viên đá cuội dưới đáy. Chúng trở thành nhà của vô số những sinh vật nước ngọt, cũng như những đàn cá béo ú, lười biếng, lờ đờ không thèm bơi, chỉ thỉnh thoảng chơi đùa cùng các chú vịt.
Tuy nổi tiếng là thế, hệ thống hồ nước và thác nước ngoạn mục này chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ của Plitvice. Thảm thực vật rộng lớn, hệ sinh thái phong phú, những khu rừng hoang sơ, những dãy núi hùng vĩ với vách đá dựng đứng và các hang động độc đáo mới thật sự là nơi ẩn giấu nhiều bất ngờ. Tất cả cùng nhau hợp thành một tổng thể thiên nhiên diệu kì, trong lành xanh mát đầy bí ẩn.
Nét hài hòa mang dấu ấn con người
Tôi thật sự ngả mũ khâm phục cách thiết kế các lối đi trải dài khắp công viên. Với địa thế thiên nhiên hiểm trở dường ấy, đó là một công trình đầy tính sáng tạo của con người, vừa khoe được mọi ngóc ngách bí ẩn của công viên, vừa giữ gìn cảnh quan và tạo nét hài hòa thẩm mỹ khi sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Các bậc thang bằng gỗ trông mộc mạc, cũ kỹ nhưng rất chắc chắn, tạo cảm giác an toàn cho hàng triệu bước chân người lữ khách. Dù là con đường bằng phẳng băng qua một mặt hồ yên tĩnh hay những bậc thang bắc cheo leo bên vách núi, bên trên những dòng thác ầm ầm gầm rú, chúng đều được xây dựng dựa vào vị thế vốn có của thiên nhiên, uốn lượn hài hòa với khung cảnh xung quanh, cứ như là một phần trong đó.
Việc tổ chức hai cổng ra vào ở hai khu vực cách xa nhau – Hồ thượng lưu và Hồ hạ lưu – là cách vận hành hết sức thông minh, giúp phân tán lượng du khách. 4 cung đường trekking được thiết kế khoa học thành 7 cách đi khác nhau, góp phần điều tiết hiệu quả sự ùn ứ người, đặc biệt là ở những đoạn đường hẹp. Dù xuất phát từ cổng nào, du khách cũng có thể lựa chọn cung đường phù hợp với sở thích, độ tuổi, sức khỏe, cũng như thời gian của mình.
Ngoài ra, các tuyến xe buýt nội bộ và phà kết nối 2 khu vực hồ hoạt động liên tục, khoảng 20 phút có một chuyến, giúp tiết kiệm thời gian đi bộ và giữ gìn năng lượng, đem lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người tham quan.

Dù tiếp đón hàng triệu du khách mỗi năm, cảnh quan thiên nhiên của Plitvice được bảo tồn khá chu đáo. Cái gì của tự nhiên thì để yên như nó vốn thế. Những cành cây già cỗi, ngã gập người trong nước dường như vẫn nằm nguyên như thế từ bao giờ. Tuyệt nhiên không thấy rác hay túi ny lông vung vãi khắp nơi. Đó thực sự là một nổ lực rất đáng trân trọng của những người gìn giữ nơi đây.
Món quà của người dậy sớm
Mặc dù nằm tách biệt trong vùng đồi núi gần như chính giữa của Croatia, Công viên Plitvice không cách xa các thành phố lớn như Zagreb, Zadar hay Split (chỉ khoảng vài giờ xe chạy). Vì thế, đa số du khách chọn cách đi về trong ngày để tham quan nơi này, khiến cho thời khắc vàng để chiêm ngưỡng nét thần tiên vốn có của “Miền Lam Xanh” là vài tiếng đồng hồ ít ỏi khi công viên vừa mở cửa (7h -10h sáng). Đó chính là món quà mà thiên nhiên nơi đây dành cho những người dậy sớm.

Là những người đầu tiên có mặt tại công viên, chúng tôi hào hứng bước vào một không gian kì vĩ của núi đồi và thác nước. Đài quan sát bằng gỗ không một bóng người mở ra một tầm nhìn ngoạn mục từ trên cao. Hai tầng hồ nước xanh ngọc kì diệu và vô vàn những dòng thác lớn nhỏ nằm lọt thỏm trong 1 thảm thực vật nhấp nhô trùng điệp. Tiếng chim hót lảnh lót đây đó chào đón những vạt nắng vàng đầu ngày, rải từ từ trên đỉnh núi.
Thật sung sướng khi riêng mình tận hưởng vẻ bình yên của “miền lam xanh” trong tiết trời se lạnh của buổi sáng . Không khí trong lành, thoáng đãng dễ chịu với mùi hương cây cỏ hòa cùng tiếng suối reo dọc theo những bước chân. Con đường trekking hôm ấy có lẽ là con đường đẹp nhất mà tôi từng đi khi cảnh thần tiên hiện ra qua từng khúc cua.
Thác nước khi thì ầm ầm đổ từ đỉnh núi cao như những chiếc vòi rồng, khi thì êm ả cuộn quanh những phiến đá phủ đầy rêu xanh. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương lớn phản chiếu thảm thực vật xanh mướt, pha chút sắc màu của mùa thu.
Tôi không nhớ mình đã lang thang bao nhiêu km ngày hôm ấy, leo qua bao nhiêu bậc thang, đi qua bao nhiêu hồ nước và thác nước, vòng tới vòng lui từ cung đường này sang cung đường khác. Chỉ biết là tôi đã ở đây từ sáng sớm đến khi hoàng hôn buông.
Dẫu chỉ độc chiếm cảnh sắc mê hồn ấy trong một thời gian ngắn ngủi, để rồi sau đó tôi phải chia sẻ chúng với dòng người tấp nập trên mọi ngả đường, dẫu không gian trong lành thần tiên ban sáng được thay thế bằng khung cảnh rồng rắn, náo nhiệt, ồn ào, thì nơi đây dường như có một sức cuốn hút kì lạ, níu giữ chân tôi tới cuối ngày.
Tôi cảm thấy may mắn khi được trải nghiệm nơi này ở hai trạng thái khác nhau của nó, để biết yêu quý thời khắc vàng và những cảm nhận tuyệt vời của mình trong thời khắc ấy, để rồi thấu hiểu rằng vẻ đẹp thiên nhiên nào cũng không là vĩnh cữu nếu con người không biết trân trọng và nâng niu.
Thông tin hữu ích
Cách đi đến công viên Plitvice
Từ các thành phố lớn của Croatia như Zagreb, Zadar hay Split, bạn có thể dễ dàng đi đến Plitvice và quay về trong ngày bằng cách đi xe bus, đi tour trong ngày hoặc thuê xe hơi tự lái. Tuy nhiên, nếu làm thế, bạn sẽ dành nhiều thời gian trên xe hơn là trong công viên, và sẽ rất khó để tận hưởng thời khắc vàng. Thời gian di chuyển sẽ mất 2 tiếng (nếu đi từ Zagreb), hoặc 5 tiếng (nếu đi từ Split).
Vé tham quan và thời gian mở cửa
Công viên có giờ mở cửa và giá vé khác nhau cho các tháng trong năm.
- Tháng 6-9 (mùa hè): mở cửa từ 7h sáng đến 8h tối, với giá vé là 250kn (~ 850k đồng)
- Tháng 4, 5 & 10 (mùa xuân & thu): mở cửa từ 8h sáng – 6h tối, với giá vé là 100kn (~340k đồng)
- Tháng 11-3 (mùa đông): mở cửa từ 8h sáng – 3h chiều, với giá vé là 60kn (~205k đồng)
Nên vào cổng nào và đi cung đường nào
Có hai cổng vào, cổng số 1 ở Hồ hạ lưu, và cổng số 2 ở Hồ thượng lưu. Với tôi, đi từ cổng số 1 sẽ hợp lý hơn, vì bạn sẽ khởi hành đi lên dốc trước, khi sức lực còn tràn đầy. Quan trọng hơn là các thác nước luôn nằm ở trước mặt bạn. Nếu đi theo hướng ngược lại (từ cổng số 2), bạn phải liên tục ngoái đầu lại phía sau lại để nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ lỡ thời khắc vàng lúc mở cửa, bạn có thể xem xét bắt đầu từ cổng số 2, như vậy bạn sẽ đi ngược chiều với luồng khách đông đúc.
4 cung đường được chia thành 7 cách đi, với cách đi A, B và C bắt đầu tại cổng số 1; cách đi E, F và H bắt đầu ở cổng 2, về cơ bản là đi cùng cung đường với A, B, C nhưng theo hướng ngược lại.
- Cách đi A/B/E/F dài từ 3.5-5.1 km, chỉ tham quan 1 trong 2 khu vực hồ.
- Cách đi C/H là 8-9 km xem được cả hai khu vực hồ, có sử dụng xe buýt và phà nội bộ.
- Riêng cách đi K là cung đường dài nhất, có thể bắt đầu ở bất kì cổng nào, đi bộ hoàn toàn một vòng quanh công viên dài 18.3km.
Tùy theo thời gian bạn có, cũng như sức khỏe và sở thích của mình, bạn hãy lựa chọn cung đường thích hợp. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết chỉ đi theo 1 cách duy nhất. Tôi chọn cách đi C lúc khởi hành, rồi đi lạc qua E sau đó lại đi theo H.

Những điểm ngắm cảnh không thể bỏ qua
Hình ảnh cầu chữ Y là hình ảnh quen thuộc khi tìm kiếm thông tin về công viên Plitvice. Để có được góc nhìn này, bạn phải leo qua nhiều bậc thang ẩm ướt trong hang động Supljara để lên phía trên núi. Hãy để ý đến bảng hướng dẫn vì tôi đã bỏ lỡ nó lần đầu tiên, sau đó phải quay lại khá vất vả.
Trong lúc quay về bằng xe buýt từ trạm St3, tôi phát hiện cách đơn giản hơn để nhìn thấy khung cảnh này là đi bộ một quảng đường ngắn tại trạm xe buýt St2.

Một hình ảnh khác cũng không dễ tìm đó là khung cảnh trong rất nhiều thiệp postcard về Plitvice. Đây cũng là góc mà các nhiếp ảnh gia săn lùng các khoảng khắc đẹp nhất của công viên này. Từ đây, bạn cũng có thể nhìn thấy các bậc thang được thiết kế cheo leo đến nhường nào.


Có một đường đi bộ khá dài từ công viên đến điểm ngắm cảnh này, nhưng chúng tôi đã lái xe đến đây vào sáng ngày hôm sau. Tọa độ để lái xe là 44°54’9″ N 15°36’27” E. Sau đó chúng tôi đi bộ qua 1 cái cầu bằng gỗ, rồi đi xuống 1 lối mòn nhỏ khoảng 5 phút, thấy bảng “Vidikovac sight seeing”, và khung cảnh ngoạn mục hiện ra trước mắt.

Lưu trú gần công viên
Tại hai cổng ra vào của Plitvice có một số khách sạn, nhưng phần nhiều là các nhà nghỉ tư nhân xinh xắn, giá cả cũng giao động từ 60 -80 Euro/ phòng đôi/ đêm. Hãy lưu ý về vị trí của các khách sạn so với cổng ra vào của công viên để tiện cho việc di chuyển, cũng như tiết kiệm chi phí giữ xe. Chúng tôi đã chọn Căn hộ Flora house, cách cổng số 1 10 phút đi bộ, rất mới và ấm cúng với giá là 260 Euro/ 2 đêm/ 4 người.
Các bí kíp tham quan Plitvice
- Đến đây vào giờ mở cửa. Trải nghiệm thời khắc vàng của Miền Lam Xanh, tận hưởng một không gian tĩnh lặng của thiên nhiên, không có đám đông là một điều kỳ diệu.
- Ở lại qua đêm gần công viên. Bằng cách đó, bạn mới có thể đến đây vào giờ mở cửa.
- Mang theo đồ ăn trưa vì món ăn trong các nhà hàng ở công viên không hề hấp dẫn và khá mắc tiền.
- Bắt đầu tại cổng số 1. Chọn cung đường C để tham quan cả hai khu vực hồ.
- Các cung đường trekking đều khá dễ đi, bằng phẳng hoặc có các bậc thang với tay vịn. Vì thế bạn chỉ cần 1 đôi giày thoải mái, kem chống nắng, nón, kính mát và bình đựng nước để tham quan nơi này.
- Không thuận tiện cho người có xe lăn vì rất nhiều nơi trong công viên là các bậc thang
- Hãy kiên nhẫn, đặc biệt lúc cao điểm vì các lối đi bộ có thể tắc nghẽn với đám đông du khách. Hãy cho mọi người thời gian để chụp ảnh và ngắm cảnh.
- Không được phép bơi lội tại công viên Plitvice dù có rất nhiều hồ nước tuyệt đẹp.
Chuyến đi thực hiện vào tháng 9, 2019
Đọc rồi đọc lại vẫn thích. Nhìn lại thấy hình cưng chụp đẹp ghê ha
ThíchĐã thích bởi 1 người
Đi loanh quanh cả ngày nên chụp nhiều hình thui. Có điều bị lạc đồng bọn nên không có nhiều hình chung với nhao
ThíchThích