Austria, Tiếng Việt

Vienna có thực sự đáng sống?

Trong 10 năm liên tiếp, Vienna – thủ đô nước Áo đứng đầu danh sách những thành phố đáng sống nhất thế giới với những tiêu chí kiểu hàn lâm như môi trường xanh sạch, hệ thống giáo dục tuyệt vời, phương tiện giao thông công cộng tiện lợi, di sản văn hóa và kiến trúc phong phú, nhà ở đẹp đẽ lại có giá phải chăng (vì được chính phủ trợ giá), tỉ lệ tội phạm rất thấp, bla bla bla….

Với vọn vẹn vài ngày trải nghiệm không gian “được cho là đáng sống” ấy, tôi không thể đưa ra một kết luận khách quan cho câu hỏi này. Chỉ có điều, tôi tin chắn rằng tôi sẽ buồn khi sống ở đây.

vienna-co-thuc-su-dang-song-quang-truong-2.png
Quảng trường chính nhộn nhịp người – xe, Vienna

Từng là cái nôi của một đế chế có quyền lực mạnh nhất châu Âu thời Trung Cổ, được thừa hưởng một di sản hào hùng về lịch sử, văn hoá và kiến trúc, Vienna tuy có phần lặng lẽ và khiêm nhường so với thủ đô các nước láng giềng, nhưng vẫn luôn toát lên một vẻ kiêu kì & kiểu cách.

Điều đó dường như nằm ở mọi thứ thuộc về Vienna, từ kiến trúc, âm nhạc đến cách nói chuyện, cách trang trí cửa hàng và trưng bày hàng hoá. Không đem lại một cảm giác “Wow”, rực rỡ, ngoạn mục mà là một sự ngăn nắp, chỉnh chu vừa đủ. Không thể khen nức nở, nhưng cũng thể chê tiếng nào. Chính cái kiểu lưng chừng khiêm nhường ấy giúp Vienna trở thành nơi dễ sống với tất cả mọi người, nhưng cũng phần nào làm cho thành phố này trông đơn điệu, buồn tẻ, thiếu sự phá cách.

Nét duyên dáng đặc trưng của Vienna có lẽ là hình ảnh những cỗ xe ngựa lộc cộc lướt qua khu phố cổ trong tiếng chuông ngân vang của nhà thờ, gợi nhớ về một thời xa hoa, lẫy lừng xa xưa.

vienna-co-thuc-su-dang-song-hofsburg-3
Cỗ xe ngựa trước cổng lâu đài Hofburg ở Vienna

Kiêu kỳ trong kiến trúc của Vienna

Kiến trúc của Vienna là một sự pha trộn nhiều phong cách kiến trúc, như là một công cụ để mô tả từng thời kỳ lịch sử của thành phố. Nếu phố cổ đại diện cho một Vienna kiêu sa và quyền quý, thì phố mới là hình ảnh của một Vienna hiện đại và tiện lợi.

Những toà lâu đài của triều đại Habsburg quyền lực nhất nước Áo như lâu đài Hofburg hay cung điện Schönbrunn, tuy không lộng lẫy hào nhoáng kiểu quý tộc Pháp, nhưng toát nên nét trang nhã nền nã, và không kém phần đẳng cấp. Các công trình mang tính lịch sử như tòa nhà Quốc hội Áo, nhà thờ St. Stephen, nhà hát Opera Hoàng Gia vẫn lưu giữ vẻ cao sang, kiểu cách của giới quý tộc Châu Âu. Tuy vậy, kiến trúc cổ của Vienna không đọng lại ấn tượng gì đáng kể trong tôi.

Lâu đài Hofburg

Tọa lạc tại trung tâm thành phố, Lâu đài Hofburg từ lâu đã là biểu tượng của Vienna bởi kiến trúc độc đáo hiếm có. Thuở ban đầu từ thế kỉ 13, đó chỉ là một lâu đài trung cổ kiên cố. Qua mỗi triều đại, lâu đài được mở rộng dần dần, trở thành một quần thể hoành tráng với 18 cánh, 19 sân và 2600 phòng. Tuy hài hòa về kiến trúc tổng thể, mỗi cánh của lâu đài lại phản ánh một giai đoạn hưng vong khác nhau của lịch sử.

vienna-co-thuc-su-dang-song-hofsburg
Mặt tiền hình vòng cung màu trắng của lâu đài Hofburg

Vốn không thích những nơi tập trung quá đông du khách, tôi chỉ đi lướt qua cổng chính của lâu đài. Thiết kế màu trắng pha kem trang nhã, những nét điêu khắc tinh tế của các mái vòm phần nào giúp tôi hình dung được nét đặc trưng trong kiến trúc cổ của Áo, một sự chỉnh chu và sang trọng.

Cung điện Schönbrunn

Cung điện mùa hè Schönbrunn là một trong những công trình kiến trúc quan trọng về văn hóa của Áo, cũng là một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Tuy rộng lớn với 1.441 phòng, hai vườn hoa theo 2 phong cách khác nhau (Pháp & Anh), một vườn thú xưa nhất thế giới cùng khu mê cung hoàng gia, Cung điện Schönbrunn không có sự lộng lẫy như tôi tưởng tượng.

vienna-co-thuc-su-dang-song-Schönbrunn-palace-3
Vòi phun nước trước cửa Cung điện Schönburn, Vienna

Mọi thứ hiện ra chỉnh chu nhưng mờ nhạt, không đủ khiến tôi phải thốt lên “Ồ” hay “À”. Các khu nhà từ chính điện đến tiểu đình đến đồi cao, đều có cùng vẻ bề ngoài vàng kem nhàm chán. Ngoại trừ sảnh chính điện thể hiện nét xa hoa vương giả với đèn chùm giát vàng và bức tranh khổng lồ trên trần cao, các gian phòng khác, tuy sang trọng nhưng không lộng lẫy, xứng với đẳng cấp của một triều đại uy quyền bậc nhất Châu Âu.

Khu vườn phía sau cung điện rất rộng lớn nhưng lưa thưa các loài hoa. Có lẽ chúng quá thấp và xát mặt cỏ nên không tạo được điểm nhấn gì. Mái vòm dài phủ kín dây leo xanh úa một màu, cho tôi cái cảm giác “khu vườn bị lãng quên”. Thú vui duy nhất của tôi hôm đó là chạy tới chạy lui trong mê cung của hoàng gia. Toát mồ hôi trong 20 phút, tôi mới giải được mê cung ấy.

vienna-co-thuc-su-dang-song-Schönbrunn-garden
Vườn thượng uyển phía sau cung điện
vienna-co-thuc-su-dang-song-Schönbrunn-matrix
Mê cung bên trong cung điện Schönbrunn, Vienna

Nhà thờ St. Stephen

Có lẽ đây là nơi mà tôi đi qua đi lại nhiều lần nhất khi đến Vienna. Nổi bật giữa quảng trường trung tâm phố cổ, Nhà thờ St. Stephen là một trong những công trình kiến trúc cổ xưa nhất thành phố. Kiến trúc mái vòm kiểu Gothic, kết hợp hài hòa với kiến trúc La Mã là nét đặc trưng cho các nhà thờ thời Trung Cổ Châu Âu, trong đó có St. Stephen.

Tản bộ từ phố cổ đến phố mới, tôi đi từ sự ngưỡng mộ những dãy nhà màu kem cổ điển, đến cảm giác “bội thực” khi nó được lặp đi lặp lại, rập khuôn suốt mấy ngày. Hầu như toàn thành phố có cùng một màu kem như thế. Riết rồi, tôi thấy chúng bình thường, thiếu sức sống đến nhạt nhòa.

Chỉ đến khi ghé thăm 2 toà nhà HundertwasserhausKunst Haus Wien của kiến trúc sư Friedensreich Hundertwasser, tôi mới thực sự bị choáng ngợp. Ở một thành phố tao nhã như Vienna, lại có những tòa nhà nổi loạn đến thế. Phong cách kiến trúc của hai tòa nhà này vượt ra ngoài sự chỉnh chu và nét khuôn phép truyền thống. Những đường cong tự do phá tan kiểu kiến trúc ngay hàng thẳng lối. Màu sắc tươi sáng giúp chúng nổi bật trên một phong nền đơn sắc cổ điển của phố phường xung quanh. Nó rực rỡ kiểu bụi đời, là một điểm nhấn đầy cá tính trong kiến trúc hiện đại của Vienna.

vienna-co-thuc-su-dang-song-Hundertwasserhaus.png
Màu sắc tươi sáng của Tòa nhà Hundertwasserhaus, Vienna

Ông Hundertwasser là kiến trúc sư nổi tiếng người Áo, theo đuổi phong cách kiến trúc nổi loạn. Ông đã có hơn 30 công trình công hiến cho đất nước mình, nằm rải rác ở các thành phố lớn.

Hàn lâm trong âm nhạc của Vienna

Âm nhạc là một trong những điều thường được nhắc tới về Vienna. Thứ âm nhạc hàn lâm, đẳng cấp không dành cho tất cả mọi người, như lại vô cùng xứng tầm với sự kiêu kì của thành phố này. Dưới sự bảo trợ của đế chế Habsburgs, Vienna trở thành thủ đô của âm nhạc cổ điển châu Âu, sở hữu những thiên tài âm nhạc lẫy lừng thế giới như Mozart, Beethoven, Franz Schubert và Johann Strauss II.

vienna-co-thuc-su-dang-song-danube-river.png
Sông Danube, được hình tượng hóa trong 1 tác phẩm âm nhạc nổi tiếng “Dòng Danube xanh”

Chỉ cần thả bộ dọc khu phố cổ, âm nhạc cổ điển luôn du dương lảnh lót bên tai, vọng ra từ những quán ăn, từ dàn đồng ca đang tập dợt cho những buổi biểu diễn ngoài trời hay chỉ đơn giản từ những “đàn sĩ” trên từng góc phố. Tôi cũng tự thưởng cho mình một buổi hoà nhạc và balê ở một khán phòng nhỏ, vừa đủ đắm chìm trong không gian âm nhạc cổ điển tại nơi sản sinh ra nó, vừa trao dồi thêm nhiều kiến thức về các thiên tài âm nhạc của đất nước này.

Trong các tên tuổi ấy, có lẽ Mozart được yêu thích hơn cả khi hình ảnh của ông vượt ra ngoài những sản phẩm có liên quan đến âm nhạc. Một chút mĩa mai khi thấy hình ảnh ấy có mặt ở khắp nơi, từ miếng dán tủ lạnh đến ly chén và quần áo. Phải chăng đó là cách quảng bá cho âm nhạc của Vienna, đi từ hàn lâm đến đời thường, hay đã làm cho nó trở nên tầm thường?

Thanh thoát trong ngôn ngữ và cách giao tiếp

Tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức của nước Áo, thứ tiếng có âm hưởng gảy gọn, nhát gừng, kém duyên dáng. Dù tôi không hiểu chữ tiếng Đức nào nhưng với ngữ điệu của người Áo, nó trở nên mượt mà và dễ nghe hơn. Các cuộc trò chuyện lướt qua trước mắt tôi, từ trong quán ăn hay trên đường phố, đều có âm lượng nhẹ nhàng vừa đủ, phù hợp với tác phong thanh thoát của người dân nơi đây.

Có lẽ vì là nơi đáng sống nhất thế giới, việc gặp gỡ người ở bốn phương đang sinh sống và làm việc tại đây còn dễ hơn gặp 1 người Vienna chính thống. Anh chàng chạy bàn trong một quán cà phê xinh xắn là người Áo nhưng đến từ tỉnh lẻ, hồ hởi kheo hình xăm có chữ “Ối giời ơi” khi biết tôi là người Việt Nam. Sau 2 tháng du lịch khắp Việt Nam, anh ấy đã có cách lưu giữ kỉ niệm thật đáng yêu.

Cuộc trò chuyện của tôi với cô chủ quán Bún Việt cũng giúp tôi hiểu thêm phần nào cuộc sống người Việt tại Vienna. Di dân qua Áo từ 20 năm trước, gia đình cô ấy xem Vienna là quê hương thứ hai sau Việt Nam. Sau những năm đầu vất vả gây dựng cơ nghiệp, giờ đây quán của cô ấy không chỉ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, mà còn được yêu thích bởi người dân bản xứ. Tất cả nhân viên trong quán đều là người Việt và đối xử với nhau thân tình như người nhà. Cậu sinh viên chạy bàn mới qua được một năm cũng tỏ ra rất thích thú khi vừa học vừa làm ở đây.

Chắc phải ở đây đủ lâu để cảm nhận được cái hồn của Vienna, để hiểu rõ vì sao Vienna là nơi đáng sống nhất thế giới. Với tôi, trong vài ngày lướt qua thành phố này, Vienna hiện ra như một cô nàng kiêu kì, nhưng không đỏng đảnh, chỉnh chu nhưng lại một màu và khá nhạt nhòa.

Thông tin hữu ích

Visa: Nước Áo nằm trong khối Schengen, nên chỉ cần có visa Schengen là bạn có thể thoải mái du lịch Vienna và các thành phố nổi tiếng khác của Áo. Xem thêm về cách xin visa Schengen tại bài này

Vé máy bay: Hiện tại chưa có đường bay thẳng từ các thành phố lớn của Việt Nam (HCM hay Hà Nội) tới Vienna. Đó là một hành trình dài từ 13 giờ bay trở lên. Có khá nhiều hãng hàng không như China airlines, Qatar airway, Aeroloft, Emirate với mức giá khứ hồi từ 700$.

Phương tiện đi lại tại Vienna: Việc đi lại ở Vienna cực kì đơn giản nhờ vào hệ thống phương tiện công cộng vô cùng hiện đại. Xe buýt, xe lửa, xe điện và tàu điện ngầm sẽ đưa bạn đến gần như bất cứ nơi nào trong thành phố mà không mất thời gian. Bạn có thể mua vé từng chuyến với giá 2.40 EUR, hoặc mua thẻ ngắn hạn (24h, 48h, 72h), đi không giới hạn mọi phương tiện công cộng trong các vùng trọng điểm của Vienna. Từ Vienna, bạn cũng dễ dàng đi đến các thành phố khác như Salzburg hoặc làng cổ bên hồ nổi tiếng Hallstatt bằng xe lửa, xe bus, thuê xe tự lái hoặc đi theo tour trong ngày.

Khách sạn:

Điều đó thực sự phụ thuộc vào ngân sách và sở thích của bạn vì có rất nhiều lựa chọn ở một thủ đô tráng lệ như Vienna. Nếu bạn muốn ở gần các địa điểm du lịch nổi tiếng, hãy chọn khách sạn nằm trong khu phố cổ. Tuy nhiên giá cả sẽ cao hơn và diện tích cũng nhỏ hơn. Tôi ở một khách sạn 3 sao cách phố cổ 3 trạm xe điện ngầm, gần ga xe lửa trung tâm để tiện cho việc di chuyển ra sân bay và các thành phố khác. Giá phòng đôi là 75 Euro/ 1 đêm.

Ẩm thực

Vienna được xem là một trong những thủ đô sành ăn của châu Âu cho cả thực phẩm và rượu vang, Nổi tiếng với sự biến tấu đầy sáng tạo, các đầu bếp địa phương đã tạo ra những món ăn độc đáo từ các đặc sản ở khắp nơi trên thế giới, và dần dần biến chúng thành của riêng họ.

Những món ăn không thể bỏ qua khi đến Vienna là món thịt bê chiên giòn, xúc xích hay thịt bò hầm rau củ, kể cả những món ăn đường phố nhiều màu sắc và các loại bánh ngọt nóng hổi thơm lừng. Trái cây rất đa dạng, nhưng không hề rẻ. 2-3 trái vả cũng mất vài Euro.

Chuyến đi thực hiện vào tháng 9, 2019

Đọc thêm bài của tôi về nước Áo

 

1 bình luận về “Vienna có thực sự đáng sống?”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s