Tôi đến Seoul lần đầu tiên từ hơn 20 năm trước trong 1 lần đi công tác. Đó cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi, một cô sinh viên mới ra trường đang mày mò phấn đấu trong công việc đầu đời. Lúc đó, Seoul hiện ra như một thế giới khác, hiện đại và hoành tráng đến từng chi tiết nhỏ. Những toà nhà cao chọc trời, ngước nhìn đến rơi cả nón. Hệ thống subway rối rắm, đường phố rộng thênh thang toàn xe hơi với nhiều tầng xe, và cả những nút bấm toàn tiếng Hàn trong toa lét cũng đủ làm cho tôi của 20 năm trước ngỡ ngàng và ngơ ngác.
Lần này, quay lại nơi đây với đại gia đình từ người già đến trẻ nhỏ, bản thân cũng đã được trải nghiệm rất nhiều thành phố lớn trên khắp các châu lục, Seoul không còn đem lại cho tôi sự choáng ngợp như thưở ban đầu.
Theo cảm nhận của cá nhân tôi, nếu Sài Gòn lộn xộn nhưng thân thiện, Bangkok rực rỡ sắc màu, Jarkata và Manila kẹt xe tứ phía, Bắc Kinh và Thượng Hải thì lạnh lùng và ô nhiễm, Delhi vội vã và phân cấp, Tokyo đông đúc và náo nhiệt, thì Seoul là những mảnh ghép đối lập. Sự đối lập được nhìn thấy trong kiến trúc, thời trang, ẩm thực và cả trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống đời thường. Đó chính là nét độc đáo tạo nên sức hút cho thành phố này.
Sự đối lập trong kiến trúc
Đây là điều dễ dàng nhận thấy nhất khi bạn đi xe bus dạo quanh một vòng Seoul. Sự đối lập trong kiến trúc đến từ nét trầm mặc, mộc mạc của các cung điện cổ xưa, các ngôi chùa Phật giáo, những khu phố cổ với những dãy nhà gỗ 1 tầng truyền thống, đan xen cùng sự hào nhoáng hiện đại của các tòa nhà chọc trời với cửa kính sáng bóng, màn hình led khổng lồ và các tháp truyền hình cao chót vót. Nếu dùng những chi tiết này để mô tả Bắc Kinh, Tokyo hay Bangkok, có lẽ cũng không sai chút nào.


Vậy những mảnh ghép đối lập trong kiến trúc ở Seoul có gì độc đáo hơn? Theo tôi, đó chính là cường độ của sự đối lập khi nó được đẩy lên đến “tận nóc”. Toà nhà Dongdaemun Design Plaza, một kiệt tác đầy tính sáng tạo trong thiết kế hiện đại là mảnh ghép đến từ tương lai, tương phản hoàn toàn với vẻ trầm mặc, giản đơn của cung điện Gyeongbok. Thư viện mở Starfield với những kệ sách khổng lồ, cao hai tầng là sự đối lập hoàn hảo với dãy nhà gỗ truyền thống 1 tầng cổ xưa của làng Bukchon Hanok. Cứ một bước đi về quá khứ, bước kế tiếp lại đi đến tương lai, các mảnh ghép ngược nhau này đan xen hài hoà sát bên nhau, tạo nên một bức tranh vô cùng đặc sắc trong kiến trúc của Seoul.
Tòa nhà Dongdaemun Design Plaza – Mảnh ghép của tương lai
Thư viện mở Starfield – Mảnh ghép tri thức hiện đại
Cung Điện Gyeongbok – Mảnh ghép trầm mặc
Làng cổ Bukchon Hanok – Mảnh ghép mộc mạc
Sự đối lập trong thời trang
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp quan trọng đưa tên tuổi Hàn Quốc vươn ra thị trường thế giới khi được đánh giá là người khởi xướng cho các xu thế thời trang hiện đại, đặc biệt dành cho thế hệ trẻ Châu Á. Seoul đương nhiên là cái nôi của ngành công nghiệp đa phong cách này.
Đứng ở nhà ga trung tâm của Seoul, bạn sẽ không bị choáng ngợp bởi dòng người đông đen, túa ra vội vã trong những bộ trang phục công sở chỉnh chu với tông màu buồn tẻ đen trắng xám như ở Tokyo. Thay vào đó là sự thanh lịch, tinh tế trong cách phối màu, đơn giản và thoải mái trong thiết kế và chất liệu, làm toát nên dáng vẻ của một Seoul năng động và hiện đại.

Vậy sự đối lập trong thời trang của Seoul nằm ở đâu? Đó chính là hình ảnh của những bộ trang phục truyền thống hanbok xuất hiện đây đó trên đường phố Seoul. Không chỉ có ở những khu phố cổ hay xung quanh các cung điện, không chỉ được mặc bởi thế hệ trung niên Hàn Quốc hay khách du lịch thuê trang phục để chụp hình, mà ở bất kì góc phố nào của Seoul ta cũng có thể bắt gặp giới trẻ Hàn Quốc xúng xính trong những bộ hanbok nhiều màu sắc. Vẻ mặt rạng ngời của thế hệ tương lai trong trang phục truyền thống dân tộc là một mảnh ghép đối lập đáng trân trọng trong văn hóa ăn mặc của Seoul.


Sự đối lập trong ẩm thực
Khi nói về ẩm thực Hàn Quốc, điều đầu tiên cần nhắc đến là số lượng các món ăn phụ (side dish) đi kèm với món chính, và 90% trong số đó là các loại Kim chi.
Kim Chi là món không thể thiếu trong các bữa ăn của người Hàn Quốc, từ kim chi truyền thống làm từ cải thảo, đến vô vàn các loại kim chi biến tấu, đa dạng về nguyên liệu cũng như phong phú về màu sắc và khẩu vị của các vùng miền. Trung bình một bữa ăn Hàn Quốc bình thường sẽ có ít nhất là 3 món kim chi. Và tôi đã may mắn được trải nghiệm 1 bàn ăn với 20 món kim chi và món ăn phụ, trong khi chỉ có 2 món ăn chính. Nhìn số lượng chén dĩa phục vụ cho một bữa ăn, tôi thật sự thấy thương cho những nàng dâu Hàn Quốc khi phải đối mặt với đống chén dĩa cao ngất ngưỡng, lẫn khoảng thời gian và công sức mà họ bỏ ra để làm các loại kim chi.


Đương nhiên, không phải bữa ăn nào của Hàn Quốc cũng hoành tráng với 20 món ăn phụ. Sự đối lập thú vị với các bữa ăn truyền thống cầu kì công phu này là các món ăn đường phố đơn giản, tiện lợi, gọn gàng, rẻ tiền nhưng cũng không kém phần thơm ngon và hấp dẫn. Các món ăn đường phố dường như có mặt ở khắp nơi, thường tập trung quanh các nhà ga tàu điện ngầm, trong các khu chợ hoặc ở những khu phố đông khách du lịch.
Tôi đã bị choáng ngợp bởi sự đông đúc, sự háo hức và mùi thơm không thể cưỡng lại khi vô tình lạc vào con đường Myeong-dong – con đường shopping và ăn uống nổi tiếng của Seoul. Đi từ đầu đường đến cuối đường, các món ăn được chế biến tại chổ, tươi ngon và cực kì mời gọi. Mặc dù đã ăn tối rồi, tôi cũng đã thử gần 10 món ở đây, từ Toppoki bánh gạo thần thánh, thịt nướng xiên, sò mai nướng phô mai, mực khô, đến bánh đậu đỏ, dâu bọc caramel, kem cây dài 30cm,…. Mỗi món có giá trung bình từ 2,000 won đến 5,000 won, có món lên đến 10,000 won.
… và những đối lập đời thường.
Với một thành phố hiện đại bậc nhất Châu Á như Seoul, tôi thật sự bất ngờ khi mình gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Ngoại trừ một số ít nhân viên khách sạn có thể nói được chút ít tiếng Anh căn bản, những người tôi gặp trên đường, từ già tới trẻ đều không thể nói tiếng Anh. Tôi đã từng bị như thế khi đến các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh/ Thượng Hải, nhưng lại không nghĩ Seoul cũng vậy sau kì tích phát triển nổi trội về mọi mặt. Thế mới biết, ngoại ngữ cũng quan trọng trong giao tiếp quốc tế, nhưng không phải là điều tiên quyết trong sự phát triển.

Và một sự đối lập nho nhỏ nữa là Seoul cực kì sạch mặc dù không hề thấy bóng dáng của thùng rác. Tôi đã tự hỏi không biết người Hàn Quốc họ có đem theo túi riêng để đựng rác hay cất giữ rác thế nào. Bản thân tôi và gia đình cũng phải làm quen với việc đem rác theo mình suốt ngày dài cho đến khi gặp được thùng rác.
5 ngày ở Seoul, không quá ngắn, nhưng cũng chưa đủ dài để thực sự trải nghiệm thành phố này. Nếu hỏi tôi, ấn tượng gì đọng lại sau 5 ngày ấy, có lẽ không có điều gì rõ ràng và đặc biệt. Seoul không cho tôi quá nhiều cảm xúc. Vâng, mọi thứ hiện đại hơn, thành phố xanh sạch hơn, những mảnh ghép đối lập rất độc đáo và khác lạ, nhưng tất cả chúng cứ trôi tuột đi, kiểu như thốt lên “Wow”, rồi thôi.
Chuyến đi được thực hiện vào tháng 6, 2019