Lặn biển (Diving), Nam (South), Tiếng Việt

Lặn biển ở Hòn Mun, Nha Trang

English

Sau 2 năm lấy bằng lặn biển Open water (bằng cơ bản của môn thể thao này, lặn được tối đa là 18m), tôi vẫn chưa từng lặn ở Việt Nam, dù cũng đi lặn hơn chục lần ở các nước lân cận như Malaysia, Indonesia, Philippine, Sri Lanka. Lần này tôi đi theo 1 nhóm bạn cực trẻ, toàn 8x & 9x để trải nghiệm lặn biển ở Hòn Mun, Nha Trang Việt Nam.

Thật may mắn khi chúng tôi có một ngày nắng đẹp, trời trong xanh, biển êm, ấm áp. Rặng san hô rộng lớn màu vàng chanh ở độ sâu 12m rực rỡ trong nắng. Cảm giác thật thư thái tự do khi bơi len lỏi giữa những vách đá sừng sững, ngắm nhìn những sinh vật bé xíu nhiều màu sắc, rồi hồi hộp chui vào một cái hang hẹp, ngẩn ngơ trước đàn cá đông đen bên trong, và có chút bối rối bơi xuyên qua chúng để chui ra ngoài.

diving between narrow rocky reefs
Bơi len lỏi giữa những vách đá sừng sững ở Madona Rock, Hòn Mun, Nha Trang

Đáng lẽ chỉ mất 1 tiếng 30 phút, tôi đã tốn gần một ngày trời để đi từ Sài Gòn đến Nha Trang. Chuyến bay của tôi khởi hành đúng giờ lúc 9g sáng, khi gần tới nơi cơ trưởng lại thông báo là Sân bay Cam Ranh tạm thời đóng cửa để diễn tập quân sự. Vì thế, thay vì đáp xuống sân bay Cam Ranh, máy bay chúng tôi buộc phải bay về Sài Gòn. Sau nhiều lần đi ra đi vô xe bus, đi lên đi xuống máy bay, chuyến bay của tôi cất cánh trở lại lúc 3h chiều, và cuối cùng tôi cũng đến được Nha Trang khi thành phố đã lên đèn.

Nhóm chúng tôi gồm 5 người, trong đó 2 người có bằng Open water, 1 người có bằng Deep dive (xuống được 40m) và 2 lính mới. Sau bữa ăn sáng nhẹ tại khách sạn, chúng tôi đi xe ra cảng Cầu Cá để lên tàu. Địa điểm lặn của ngày hôm ấy là Hòn Mun, một hòn đảo nhỏ cách bờ biển Nha Trang khoảng 12km (50 phút tàu chạy). Là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, Hòn Mun được đánh giá là một điểm lặn nổi tiếng tại Nha Trang khi tập trung nhiều loại san hô và sự đa dạng của các loài sinh vật biển nhờ có sự pha trộn của hai dòng nước nóng và lạnh.

Trong lúc tàu chạy đến Hòn Mun, chúng tôi tranh thủ ôn lại một số kĩ năng lặn, cũng như làm quen trở lại với các thiết bị lặn. Khoảng 9:30 sáng, chúng tôi bắt đầu xuống nước cho lần lặn đầu tiên – Madonna Rock – có độ sâu tối đa khoảng 16m với những vách đá cao và một số hang đá hẹp. Trời nắng đẹp và biển êm ả khiến tầm nhìn dưới nước rất tốt. Chúng tôi đã nhìn thấy một số đàn cá nhỏ bé và những chú sâu biển nhiều màu sắc.

dive group at 10m deepth
Nhóm chúng tôi ở độ sâu 10m

Chúng tôi thích thú bơi xuyên qua những vách đá cao lởm chởm gồ ghề, được bao phủ bởi rêu phong và vô số các sinh vật biển. Khoảng cách giữa các vách đá đôi khi khá hẹp khiến cho tôi phải tập trung để không va chạm vào chúng.

Điều đặc biệt nhất trong lần lặn đầu tiên này là đàn cá đông đúc trong một cái hang nhỏ bé. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy cả ngàn con cá chen chúc nhau trong 1 khe đá hẹp. Đó có lẽ là chổ ẩn nấp lý tưởng nhất của chúng để tránh khỏi sự đánh bắt của loài người.

a big herd of small black fish inside a narrow reef
Một đàn cá đông đúc trong khe đá hẹp ở Madonna Rock, Hòn Mun, Nha Trang

Sau lần lặn đầu tiên đầy hứng khởi, chúng tôi trở lại tàu, nghỉ ngơi và ăn nhẹ khoảng 45 phút. Lần lặn thứ hai là Rặng san hô ở gần Hòn Mun với độ sâu chỉ là 12m, nổi tiếng với vô vàn các loại san hô nhiều màu sắc và những đàn cá nhỏ. Rặng san hô rộng lớn màu vàng chanh ở độ sâu 12m trở nên rực rỡ trong nắng. Đây đó đan xen là những bụi san hô màu xanh dương, màu tím, màu hồng. 

yellow coral in Mun island
Rặng san hô màu vàng chanh ở Hòn Mun, Nha Trang, Việt Nam

Những đàn cá nhỏ thích thú chơi đùa quanh các bụi san hô, làm khung cảnh dưới biển trở nên lung linh và vui nhộn.

Biển Hòn Mun, tính ra không có nhiều cá lớn. Ngoài trừ đàn cá trong hang, thì những đàn cá nhỏ tôi nhìn thấy trong 2 lần lặn số lượng cũng không nhiều. Nghe mấy anh thợ lặn địa phương nói là chúng đã “bơi” hết vào các nhà hàng, quán ăn trong vùng. Điều này có lẽ Việt Nam chúng ta cần phải học hỏi các nước láng giềng khi họ áp dụng rất triệt để các quy định về đánh bắt cá và bảo vệ môi trường.

Khung cảnh dưới biển của Hòn Mun cũng không ngoạn mục bằng những nơi tôi đã từng lặn. Tuy vậy, lặn biển ở Hòn Mun thuộc hàng “ngon, bổ, rẻ”. Nước biển nhìn chung rất ấm áp tuy có vài chổ chúng tôi va chạm phải luồng nước lạnh. Dòng nước không chảy xiết, rất thích hợp cho những tay lặn mới hoặc những người muốn học lặn. Chi phí cho 1 ngày đi lặn chỉ bằng 50-60% so với nước ngoài, nên bạn có thể đi được nhiều lần hơn, coi như là dịp để rèn luyện kĩ năng lặn biển. Nếu bạn muốn học và lấy bằng, chi phí cho một khoá học cũng rẻ hơn và ít mất thời gian hơn so với các nước khác.

Xem thêm video clip này để cảm nhận được cảm giác thư thái khi được bơi lội cùng đàn cá và ngắm nhìn cuộc sống muôn màu dưới đại dương

Thêm vào đó, đồ ăn Nha Trang quá ngon và rất hấp dẫn, không chỉ có hải sản tươi roi rói, mà còn có Bánh căn, Bún đầu cá thu, Bánh canh chả cá, Xôi thập cẩm. Ngoài ra, Nha Trang còn có các món tráng miệng tuyệt hảo như kem bơ, chè và yohurt hạt đát, trái cây dầm…. Ôi, nhắc đến là tôi lại thèm các món ấy và muốn đi ăn thêm lần nữa.

Thông Tin Hữu Ích

  • Chi phí cho một ngày đi lặn (2 lần) dành cho người có bằng Open water là 1.2 triệu, bao gồm xe đưa rước tại khách sạn, tàu đến điểm lặn, chi phí cho thuê dụng cụ lặn, hướng dẫn viên và ăn nhẹ giữa 2 lần lặn
  • Thời gian và Chi phí cho 1 khóa học lấy bằng Open Water (xuống được 18m): Bạn sẽ cần thời gian là 3 ngày để học lý thuyết, thực tập tại hồ bơi và 4 lần lặn trên biển. Chi phí trọn gói cho khóa học này khoảng 7 triệu đồng.
  • Điều kiện để học lặn: những người yêu thích và cảm thấy thoải mái khi ở dưới nước, có khả năng bơi cơ bản, tim mạch ổn định đều có thể học lặn được.

Chuyến đi thực hiện vào tháng 4, 2019

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s