Bí Kíp/ Tips, Denmark, Europe, Norway, Sweden, Tiếng Việt

Tất tần tật bí kíp ngao du miền cực “lạnh” Bắc Âu

Đối với một người sống ở miền nhiệt đới như tôi, nơi mà quanh năm chỉ có 2 mùa – Mưa và Nắng, với nhiệt độ thấp nhất là 23oC thì một chuyến đi đến miền cực “lạnh”, nơi có tuyết và nhiệt độ có thể xuống thấp đến -30oC là một cuộc phiêu lưu, thử thách sức chịu đựng và sự thích nghi của cơ thể.

Chưa có chuyến đi nào mà chúng tôi phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho hành lý và tìm hiểu các thông tin liên quan trước khi đi công phu đến thế. Chúng tôi chia nhau tìm hiểu thông tin, từ hành lý cần thiết đến việc ăn mặc sao cho đúng cách để giữ ấm cơ thể mà vẫn cảm thấy thoải mái. Thêm vào đó, hành lý không được quá cồng kềnh để bản thân có thể tự mình di chuyển hành lý trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Rồi đến cách thức thuê xe, lái xe trên đường tuyết, đặt phòng khách sạn cũng như hoàn tất lịch trình.

huu-duyen-bac-cuc-quang-ua-zay-do-ha-storm-2
Tôi dưới trận bão tuyết ở Abisko, Thụy Điển

Đó là khoảng thời gian rất thú vị khi ngày nào trên group chat của chúng tôi cũng náo nhiệt với những chia sẻ về quần áo, giày dép, phụ kiện như mua hiệu nào, chất liệu gì, mua ở đâu, giá bao nhiêu. Có những món lần đầu tiên tôi biết đến như miếng dán giữ nhiệt hay quần đi tuyết. Ngay cả boot đi tuyết cũng có rất nhiều loại, phù hợp với những khoảng nhiệt độ khác nhau. Với tiêu chí tiết kiệm vì những đồ vật chuyên dụng này ít khi được sử dụng ở xứ nhiệt đới, tôi đi mượn vòng quanh bạn bè và người thân. Ấy vậy mà rốt cuộc tôi cũng phải tậu khá nhiều thứ mới.

Với một sự chuẩn bị kĩ càng như thế, thời tiết lại không lạnh tới -30oC như dự báo (mà chỉ là -15oC), tôi đã có 1 chuyến đi mỹ mãn đến miền cực lạnh Bắc Âu, tận hưởng những ngày lạnh nhất trong đời.

Những bí kíp ngao du miền cực lạnh

Hành lý cần thiết cho chuyến đi mùa đông

  • Áo khoác ngoài cùngrất quan trọng, được thiết kế cho nhiệt độ dưới âm độ, phải làm bằng chất liệu chống gió hoặc chắn gió, chống nước thì càng tốt, dài đến hông hoặc hơn, với 1 lớp lót đủ dày bằng nỉ hoặc lông ngỗng, nên có kèm nón choàng, nếu có lông vũ thì lên hình sẽ đẹp hơn.
  • Áo khoác nhẹ: bằng chất liệu nỉ, hoặc áo phao, hoặc áo len.
  • Áo kiểu: nên chọn loại áo tay dài, kín cổ, đa dạng về chất liệu, tốt nhất là cashmere, hoặc len. Chất liệu Polyester cũng có thể được nhưng hạn chế mặc áo cotton.
  • Bộ quần áo lót giữ nhiệt: rất quan trọng, đây là lớp mặc trong cùng, sát da và dưới các lớp quần áo bình thường. Hãy tìm loại bằng len, bằng polyester, hoặc hổn hợp polyester, nỉ. Tránh hoàn toàn chất liệu cotton.
  • Quần tuyết: phải làm bằng chất liệu chống gió và chống nước, có một lớp lót bằng nỉ, mặc ngoài cùng
  • Quần dài: Bằng da lót nỉ, hoặc quần nỉ, tránh mặc quần jean, kaki
  • Nón: Nón beanie (ôm sát đầu), bằng len, nỉ hoặc cashmere, hoặc nón kiểu, quan trọng là trùm luôn 2 lỗ tai, chống nước thì càng tốt
  • Găng tay: nên có 2 đôi găng tay, lớp ngoài chống gió, chống nước bằng da hoặc sợi polyester; lớp trong có thể dùng găng tay len hoặc nỉ, nên chọn loại găng tay có touchscreen để có thể sử dụng điện thoại mà không phải tháo găng tay ra
  • Khăn choàng: bằng len hoặc nỉ để giữ ấm cổ
  • Vớ giữ nhiệt: tuyệt đối không sử dụng vớ cotton, mà vớ len hoặc nỉ. Mang 2 đôi vớ mỏng sẽ ấm hơn 1 đôi vớ dày
  • Boot đi tuyết: Quan trọng nhất. Có rất nhiều nhãn hiệu và kiểu dáng, quan trọng là bạn phải kiểm tra xem đôi boot đó có thể chịu lạnh đến bao nhiêu độ, có phù hợp với nơi mà bạn định tới hay không. Đây là món mà tôi đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất, mua của Amazon bên Mỹ và nhờ bạn tôi đem về Việt Nam. Tôi thật sự hài lòng với đôi boot Baffin Chloe này vì nó khá nhẹ, mang vào cởi ra cực kì dễ dàng, có thể chịu đến -40oC.
  • Miếng giữ nhiệt: Có nhiều loại miếng giữ nhiệt, dán trên ngực, dán bàn chân, hoặc cầm trên tay. Tôi thấy hiệu quả nhất là miếng giữ nhiệt cầm tay vì đó là nơi dễ bị lạnh nhất do đôi khi bạn phải bỏ bao tay ra để sử dụng điện thoại. Tôi nghĩ bạn nên mua dư số lượng cần dùng, ít nhất là 2 miếng/ ngày.

 

Trở lại danh sách bí kíp

 

Bí kíp giữ ấm cơ thể

  • Nếu cần ghi nhớ ngắn gọn, vật liệu giữ ấm tốt nhất là da, cashmere, len, nỉ, polyester, tuyệt đối nên tránh sử dụng cotton.
  • Mặc nhiều lớp mỏng thay vì một lớp dày.
  • Giữ ấm các vị trí dễ bị lạnh nhất là 2 bàn tay, 2 bàn chân và 2 lỗ tai. Chính vì vậy nón bịt kín tai, giày chuyên dụng và găng tay là những vật dụng rất quan trọng, không thể thiếu.
tat-tan-tat-bi-kip-ngao-du-mien-cuc-lanh-bac-au-clothing.png
Tôi ở Kiruna, -15oC, 1 lớp quần áo lót, áo len, quần nỉ, áo khoác dày, boot Baffin, găng tay sợi tổng hợp, khăn cổ bằng len, nón nỉ, 2 miếng giử nhiệt trong găng tay.
Trở lại danh sách bí kíp

Thuê xe tự lái

Trong hành trình 17 ngày ngao du miền cực “lạnh” ở Bắc Âu, chúng tôi chủ yếu di chuyển bằng phương tiện công cộng, như tàu hỏa, xe bus hoặc taxi. Chúng tôi chỉ thuê xe tự lái trong 4 ngày ở Lofoten, nơi mà các phương tiện công cộng không phổ biến.

Tại Lofoten, chỉ có một vài thị trấn như Narvik, Leknes, Moskenes, Svolver là có các hãng cho thuê xe uy tín như Avis, Hertz, Sixt. Vì thế hãy tìm hiểu thông tin về các hãng xe và nơi bạn định đến.

tat-tan-tat-bi-kip-ngao-du-mien-cuc-lanh-my-car-4.png
Tôi cùng chiếc xe thuê tại bờ biển Myrland, Lofoten, Na Uy

Đặt xe trước: Bạn nên book xe trước khi đi vì giá tốt hơn và có nhiều lựa chọn về nhãn hiệu và loại xe. Các đại lý cho thuê xe đưa ra những mức giá tương tự nhau, nên hãy xem một vài hãng để biết mức giá.

Loại xe

  • Xe ở các nước Bắc Âu là xe tay lái thuận như ở Việt Nam
  • Xe cho thuê ở Lofoten, hay những vùng có nhiều tuyết đều có trang bị bánh chống trượt. Đó là quy định bắt buộc của các hãng cho thuê xe, nên bạn hoàn toàn yên tâm. Chỉ cần xác nhận thông tin đó với chiếc xe bạn thuê.
  • Các loại xe từ Sedan hay SUV đều chạy được vì đường ở Lofoten khá tốt và có xe cào tuyết chạy vài lần trong ngày.
  • Chúng tôi thuê 2 chiếc xe SUV 5 chỗ cho 6 người (vì có nhiều hành lý) của hãng SIXT với giá là 290USD/chiếc cho 4 ngày, bao gồm gói bảo hiểm toàn phần, chưa tính tiền xăng.

Bằng lái: Bạn có thể sử dụng bằng lái xe được cấp bởi quốc gia của bạn. Với người Việt Nam, bạn cần bằng lái song ngữ Việt-Anh, hoặc có bản dịch pháp lý bằng tiếng Anh.

GPS: Bạn không cần thuê GPS mà có thể sử dụng Google Map để định vị và tìm đường vì sóng 3G/4G khá tốt.

Bảo hiểm xe: Có nhiều gói bảo hiểm kèm theo khi thuê xe. Với tôi, để khỏi bận tâm về sự va quẹo, trầy xướt trên đường, tôi đã mua gói bảo hiểm toàn phần. Nhờ vậy, việc kiểm tra xe lúc nhận và trả rất nhanh chóng.

Thủ tục nhận và trả xe khá đơn giản. Chúng tôi nhận xe tại văn phòng của Sixt ở trung tâm Leknes, và trả xe tại sân bay Leknes. Chỉ cần đậu xe vào bãi xe quy định của sân bay, bỏ chìa khóa lại trong hòm thư bên trong sân bay, gần quầy làm thủ tục.

Trở lại danh sách bí kíp

Lái xe trên đường tuyết có khó không?

Câu trả lời là hoàn toàn không khó tí nào, ít nhất là ở Lofoten. Một phần vì chất lượng đường xá ở Lofoten rất tốt, kèm theo có xe cào tuyết dọn dẹp liên tục nên mặt đường không bị đóng tuyết dày. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau:

  • Dọc theo 2 bên đường, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều cây cọc, được sơn màu xanh hoặc đỏ, dùng để định vị mặt đường, cũng như đo lường độ dày của tuyết. Bạn hãy canh theo những cây cọc này để chạy và đậu xe, tránh không bị lún trong tuyết.
  • Tránh đi sát lề đường vì tuyết đóng nhiều, rất dễ trơn trượt.
  • Khi đi vào các đường hầm, thường mặt đường sẽ ướt do tuyết tan, vì vậy bạn nên giảm tốc độ.
  • Khi có gió lớn và tuyết rơi dày, tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều. Hãy đi chậm và quan sát những cây cọc cắm dọc 2 bên đường để định vị mặt đường.

This slideshow requires JavaScript.

Trở lại danh sách bí kíp

Bảo hiểm du lịch

Với chuyến đi dài ngày thế này, điều nhất thiết phải làm là mua Bảo hiểm du lịch. Tôi đã mua bảo hiểm du lịch toàn cầu cho 17 ngày, loại phổ thông của AIG với mức giá là 930,000 đồng. Thực ra chẳng ai mua bảo hiểm với mong muốn mình sẽ gặp sự cố để được bồi thường. Nhưng trong chuyến đi này, bảo hiểm du lịch thực sự là một cứu cánh của tôi khi đó là một chuyến đi với rất nhiều sự cố.

  • Hành lý tới trễ (hơn 12 tiếng): nhóm chúng tôi đã có 3 người bị sự cố này, trong 2 chuyến bay khác nhau: 2 người cho chuyến bay của hãng Aeroloft từ Việt Nam đến Copenhagen (Đan Mạch) và 1 người cho chuyến bay của SAS từ Copenhagen đến Kiruna.
  • Chuyến đi bị trì hoãn (gần 1 ngày): chuyến tàu hỏa từ Abisko đến Narvik bị hủy vì lý do bão tuyết nên chuyến đi của chúng tôi bị trì hoãn 1 ngày
  • Bị móc túi ở Copenhagen

Thủ tục bồi thường

Thời gian xử lý cùng mức độ bồi thường sẽ khác nhau tùy theo công ty bảo hiểm và gói bảo hiểm bạn mua. Thủ tục bồi thường sẽ tùy thuộc vào sự cố du lịch, cụ thể như sau:

Những giấy tờ thiết yếu để nộp hồ sơ bồi thường bảo hiểm du lịch

  • Hộ chiếu: bản photo mặt chính và trang có giấy xuất nhập cảnh ra vào Việt Nam
  • Vé máy bay: bản sao
  • Bảo hiểm du lịch
  • Thẻ lên máy bay: bản gốc – rất quan trọng
  • Hành lý tới trễ: cần thêm 2 giấy tờ sau: 1/ Báo cáo hành lý tới trễ của hãng vận chuyển (bạn cần lấy giấy này khi khai báo hành lý tới trể tại nơi xảy ra sự cố, nếu đi máy bay thì khai báo tại phòng thất lạc hành lý bên trong sân bay), 2/ Biên nhận khi nhận lại hành lý, có ghi rõ ngày giờ giao nhận (bạn cần yêu cầu giấy này khi nhận lại hành lý của mình, quan trọng là phải có chính xác thời gian nhận hành lý vì đây là căn cứ để tính phí bồi thường). Lưu ý rằng sự cố này chỉ được bồi thường khi xảy ra ở nước ngoài. Nếu hành lý đến trễ khi bạn về tới Việt Nam, bạn sẽ không được bồi thường.
  • Chuyến đi bị trì hoãn: cần thêm những giấy tờ sau: 1/ Văn bản xác nhận lý do hủy chuyến/ trễ chuyến từ hãng vận chuyển (giấy này bạn có thể yêu cầu hãng vận chuyển gửi email xác nhận lý do, ghi rõ số giờ trễ chuyến), 2/ Các giấy tờ xác nhận chi phí phát sinh do trể chuyến (Vé của phương tiện vận chuyển thay thế, Biên nhận trả tiền khách sạn, v.v)
  • Mất cắp: bạn cần cung cấp biên bản báo cáo với cảnh sát tại nơi xảy ra sự cố. Hãy đến đồn cảnh sát gần nhất khai báo sự việc và lấy biên bản từ cảnh sát địa phương.

Trong chuyến đi này, bản thân tôi được bồi thường là 14.700.000 đồng cho 2 loại bảo hiểm sau: 1/ Hành lý bị trễ: mỗi 6 tiếng sẽ được bồi thường 4.200.000 đồng, 2/ Chuyến đi bị trì hoãn: mỗi 6 tiếng sẽ được bồi thường 2.100.000 đồng.

Xem thêm về bảo hiểm du lịch và các sự cố khác tại bài viết này.

Trở lại danh sách bí kíp

Visa Châu Âu (dành cho người Việt Nam)

Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy là những nước nằm trong khối Schengen. Muốn đi du lịch tại 3 nước này, công dân quốc tịch Việt Nam bắt buộc phải xin visa Schengen trước khi đi. Bạn có thể xin visa này tại ĐSQ hoặc LSQ của bất kì quốc gia nào nằm trong khối Schegen nếu hành trình của bạn ghé nước đó đầu tiên hoặc lưu trú tại nước đó trong thời gian lâu nhất.

Hồ sơ xét duyệt visa, thời gian cấp visa và cũng như lệ phí visa ở các nước này tương đối khác nhau. Vì đã từng xin visa đi Pháp, chúng tôi đã liều lĩnh xin visa Schengen lần này với lãnh sự quán Pháp, dù Pháp không nằm trong lịch trình của chúng tôi. Thời gian xét duyệt visa là 5 ngày làm việc, với chi phí là 60 Euro, kèm theo phí dịch vụ bắt buộc của trung tâm tiếp nhận thị thực được chỉ định bởi ĐSQ Pháp (TLS Contact) là 26 Euro.

Xem thêm về tất tần tật bí kíp xin visa Schengen tại bài viết này.

Tiền tệ

Tuy nằm trong khối EU, nhưng các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan đều không sử dụng đồng Euro, mà sử dụng đồng tiền riêng của họ.

  • Tiền Đan Mạch là tiền Krone, với tỉ giá khoản 3700 VND/ 1 DKK.
  • Tiền Na Uy cũng gọi là tiền Krone, với tỉ giá khoản 2700 VND/ 1 NOK
  • Tiền Thụy Điển cũng gọi là tiền Krone, với tỉ giá khoản 2600 VND/ 1 SEK

Các nước này đa phần sử dụng thẻ tín dụng, ngay cả khi chi trả những chi phí nhỏ nhất (như phí đi toilet). Tuy nhiên, bạn cũng nên đổi một ít tiền mặt, tương đương khoảng 30 USD mỗi ngày. Tốt nhất là nên đổi tiền tại Việt Nam vì tỉ giá tốt hơn là đem USD hoặc Euro để đổi khi đến nơi

Phương tiện di chuyển

Hệ thống phương tiện công cộng tại các thành phố lớn mà tôi đi qua trong hành trình này như Copenhagen, Bergen, Oslo rất tiện lợi, bao gồm xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện và tàu hỏa. Nhưng khi đến các thị trấn nhỏ, phương tiện công cộng rất ít, hoặc nhiều khi không có. Chính vì thế, hãy nghiên cứu kỹ nơi bạn đến để lựa chọn phương tiện di chuyển cho thích hợp.

Khách sạn:

Điều đó thực sự phụ thuộc vào ngân sách và sở thích của bạn vì có rất nhiều lựa chọn. Dưới đây là danh sách các khách sạn tôi đã ở trong chuyến đi (book qua booking.com hoặc Agoda).

  • CopenhagenUrban House Copenhagen by Meininger – gần nhà ga trung tâm với nhà hàng và quán bar ngay dưới tầng trệt, phòng sinh hoạt chung rất rộng và thoải mái, giá khoảng 2 triệu/ 1 phòng đôi/ 1 đêm.
  • Kiruna: Khách Sạn bằng băng Ice Hotel – độc nhất vô nhị khi mọi thứ trong khách sạn đều được làm bằng băng (đọc thêm chi tiết ở bài viết này). Đây cũng là khách sạn đắt tiền nhất của chuyến đi với giá 10.6 triệu/ phòng 4 người/ đêm
  • Abisko: STF Mountain Lodge – Một trong 2 khách sạn đẹp nhất ở Abisko, các phòng sinh hoạt chung rộng và tràn ngập ánh sáng, nhà hàng của khách sạn nấu ăn tối khá ngon, trong khi buffet trưa và sáng không có nhiều lựa chọn. Từ khách sạn có thể đi bộ ra hồ đóng băng Tornetrask, nhà ga Abisko Turiststation. Giá phòng 4.5 triệu/ phòng đôi/đêm.
  • Hamnoy – Lofoten: Khách sạn Eliassen Rorbuer – một trong những địa điểm chụp hình nổi tiếng nhất ở Lofoten, nơi các nhiếp ảnh gia săn lùng bắc cực quang thường hay ở vì phong cảnh vách núi và mặt biển rất ngoạn mục, đặc biệt là bình minh màu hồng. Nếu có dịp quay lại Lofoten, chắc tôi sẽ tiếp tục ở khách sạn này. Giá phòng là 4.5 triệu/ 3-4 người/ đêm.
lac-vao-xu-so-bang-gia-lofoten-Hamnoy
Căn nhà thứ 2 (từ phải qua) là phòng của chúng tôi tại Eliassen Rorbuer
  • Bergen: Mi Casa Tu Casa – căn hộ nằm gần trung tâm (đi bộ 5 phút ra quảng trường chính), hơi ồn ào vì có quán pub ngay dưới lầu, phòng có phòng khách, bếp để nấu ăn. Giá khá rẻ cho căn hộ 1 phòng ngủ (3 người), chỉ có 2.3 triệu/đêm.
  • OsloScandic Byporten– Khách sạn nằm gần nhà ga trung tâm, rất thuận tiện di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện ngầm.

ẨM THỰC

Thức ăn ở các nước Bắc Âu khá phong phú với các loại thịt và hải sản, đặc biệt là các loại cá.

  • Chúng tôi đã thử rất nhiều các món cá khác nhau và phát hiện rằng không phải chổ nào cá cũng tươi và ngon.
  • Con vẹm (mussle) nhỏ xíu và không ngon.
  • Thịt tuần lộc rất phổ biến, gần như thay thế cho thịt bò, nhưng khô hơn và không thơm bằng thịt bò.
  • Khẩu phần ăn cũng không quá lớn cho một người ăn.
  • Chi phí cho 1 món chính tại một nhà hàng hạng trung cũng khá cao, từ khoảng 500-700 ngàn VND.

Dâu rất to và chua chua ngọt ngọt. Món cream buble cũng là một món tráng miệng yêu thích của nhóm chúng tôi.

  • Cà phê truyền thống kiểu Đan Mạch có mùi vị rất thơm, uống kèm với một lớp kem chứ không pha sữa.
  • Bia và rượu khá đa dạng, nhưng giá rất chát – 200 ngàn VND/ ly

Chuyến đi thực hiện vào tháng 2, 2019

Xem thêm các bài viết của tôi về chuyến đi này

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s