English
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo có tiếng trên thế giới nên hình ảnh những cánh đồng lúa mênh mông cò bay thẳng cánh trở nên quá quen thuộc với bất kỳ người dân Việt Nam nào, kể cả tôi. Mặc dù vậy, ruộng bậc thang lại là một đặc sản chỉ có ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là Tây Bắc. Bản thân tôi, chưa một lần tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các thửa ruộng bậc thang nên đây là phần không thể thiếu được của hành trình road trip lần này.

Ruộng bậc thang ở phía bắc Việt Nam có 2 mùa đẹp nhất trong năm. Mùa nước đổ vào tháng 5-6 khi các thửa ruộng được cho đầy nước để đất trở nên mềm hơn, dễ cấy lúa hơn. Lúc này những bậc thang màu nâu đất loang loáng nước, phản chiếu lấp lánh dưới ánh mặt trời. Trong khi đó, tháng 9-10 là cao điểm của mùa lúa chín. Cả một vùng đồi núi rộng lớn sẽ khoát lên mình một màu vàng lộng lẫy.

Đến Tây Bắc vào đầu tháng 10, dù đã qua đỉnh điểm của lúa chín, chúng tôi vẫn bị hớp hồn bởi vẻ đẹp lộng lẫy của các thửa ruộng bậc thang. Tuy không còn một màu vàng rực rỡ vì đôi chổ lúa đã được gặt xong, thay vào đó là sự pha trộn hài hòa giữa màu xanh của lúa non, màu vàng óng ả của lúa chín và màu nâu đất của lúa đã gặt, tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy sức sống.
Hành trình
- Ngày 8: Hoàng Su Phì (82km)
- Ngày 9-11: Sapa (220km)
- Ngày 12: Mù Căng Chải (160km)
- Ngày 13: Đèo Khau Phạ và trở về Hà Nội (320km)
Ngày 8: Hoàng Su Phì
Chia tay với cao nguyên đá và rừng thông thơ mộng, chúng tôi bắt đầu hành trình săn lùng những thửa ruộng bậc thang ngoạn mục, là một đặc sản khác của vùng núi phía Bắc.

Hoàng Su Phì – một huyện vùng cao hẻo lánh ở Tây Bắc, giáp biên giới Trung Quốc là một sự tương phản tuyệt vời với cao nguyên đá trơ trọi không bóng cây của Đồng Văn và Mèo Vạc. Cũng với khung cảnh núi non hùng vĩ nhưng được che phủ bởi rừng rậm xanh rì, xen kẽ là những nông trường trà nhỏ bé và những thửa ruộng bậc thang lộng lẫy, được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2012. Đang mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì khoe những đường cong uốn lượn mềm mại, nhuộm vàng rực rỡ cả một vùng đồi núi rộng lớn.

Nằm cheo leo ở sườn núi, những thửa ruộng như là minh chứng cho sự khéo léo của rất nhiều thế hệ nông dân nơi đây. Đó thật sự là một kiệt tác được tạo ra bởi bàn tay con người.


Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì dốc hơn và có vẻ cao hơn những nơi khác ở Việt Nam. Chúng tôi hào hứng leo vào bên trong một thửa ruộng sát bên đường, chậm chạp từng bước qua những bậc thang cao, trong khi bác nông dân già với bó rơm nặng trĩu trên lưng lại bước đi thoăn thoắt.
Tận tay sờ vào những bông lúa nặng trĩu hạt và hít thở mùi thơm của lúa chín, chúng tôi thật sự cảm kích nỗi khó khăn và nhọc nhằn của cuộc sống nông thôn gắn bó với cây lúa.
Tại đây cũng có những thửa ruộng đã được gặt hết. Trông chúng vẫn rất đẹp trong màn sương mờ ảo buổi xế chiều.

Trở lại đầu trang
Ngày 9-11: Sapa, Bản Cát Cát, Thung lũng Mường Hoa
Tiếp tục hành trình tìm kiếm ruộng bậc thang, chúng tôi lên đường đi Sapa, một chặng đường dài 200km. Con đường DT 177 và DT 153 từ Hoàng Su Phì lên Sapa cực kì xấu với mặt đường bị cày xới và vô số ổ gà ổ voi to và sâu. Có những đoạn sạt lở rất nguy hiểm.

Con đường càng lúc càng lên cao, có khi chúng tôi lên đến độ cao 1400m so với mực nước biển. Khung cảnh hai bên đường vẫn là hình ảnh quen thuộc của các thung lũng sâu thăm thẳm và các tầng núi non, nhưng càng lên cao, càng trở nên hùng vĩ và ngoạn mục hơn


Chúng tôi nghỉ ăn trưa dã chiến dọc bên đường, ngắm nhìn phong cảnh núi non thật ngoạn mục.

Tôi đến thăm Sapa lần đầu tiên vào năm 2008, lúc đó Sapa vẫn còn hoang sơ và vắng vẻ. 10 năm sau quay lại, tôi ngỡ ngàng với tốc độ đô thị hóa của thị trấn xinh đẹp này. Khắp các nẻo đường trung tâm thành phố mọc lên bao nhiêu là khách sạn, home-stay, nhà hàng và quán cà phê.
Mỗi quán cà phê có một kiểu thiết kế riêng, có lẽ nhìn riêng biệt thì chúng thật ấn tượng. Nhưng vì chúng liền kề với nhau, nên tôi lại nhìn thấy một tổng thể khá lộn xộn.
Nhà thờ đá vẫn uy nghi nằm ở trung tâm của thành phố, nhưng quảng trường trước mặt đã thay đổi hẳn với những khách sạn bề thế tráng lệ. Còn đâu một Sapa mộc mạc mà tôi đã từng ao ước quay trở lại.


Thời tiết những ngày hôm ấy thật ảm đạm, mưa suốt cả ngày và mây mù giăng khắp nơi làm gián đoạn lịch trình khám phá Sapa của chúng tôi. Đường xá lại cực kỳ xấu với ổ gà ổ voi, lầy lội và sình bùn.

Khi trời ngớt mưa, chúng tôi ghé thăm Bản Cát Cát, nằm không quá xa trung tâm thành phố. Đậu xe bên ngoài và đi bộ trên con đường sinh lầy, chúng tôi đi vào sâu trong bản. Không còn nhiều người dân tộc H’Mông sinh sống ở đây như trước kia. Thay vào đó là dãy cửa hàng lưu niệm, quán ăn và quán cà phê. Thỉnh thoảng có một vài gian nhà mô phỏng cuộc sống của người dân tộc H’Mông. Tôi hơi thất vọng vì nghĩ rằng mình sẽ được nhìn thấy cuộc sống hằng ngày thật sự của họ hơn là chỉ thấy sự mô phỏng.
Khách sạn của chúng tôi nằm ngay thung lũng Mường Hoa của Sapa. Một thung lũng rộng bao la với những thửa ruộng bậc thang, xa xa là những ngôi làng nhỏ bao quanh bởi tầng lớp núi non. Khi mặt trời khuất dạng, những áng mây trắng trôi bồng bềnh qua triền núi làm cho khung cảnh sống động hơn.

Chúng tôi quyết định không đi đâu nữa, chỉ thư giãn ở khách sạn, bên những ly cà phê nóng hổi và những ly rượu vang nồng nàn để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên và không khí lạnh mà cơn gió mùa Đông Bắc bất chợt đem đến.
Trở lại đầu trang
Ngày 12: Mù Căng Chải – thiên đường của ruộng bậc thang
Sau 3 ngày thư giãn trong thời tiết ảm đạm của Sapa, chúng tôi đến với địa điểm cuối cùng trong hành trình của mình là Mù Căng Chải, cách Sapa 160km. Không lâu sau khi ra khỏi trung tâm Sapa theo QL4D, chúng tôi đã được dạo chơi trên mây ở Đèo Ô Quy Hồ – một trong “Tứ Đại Đỉnh Đèo” của miền núi phía Bắc Việt Nam.

Đèo Ô Quy Hồ là ngọn đèo dài nhất Tây Bắc Việt Nam (hơn 50km) cắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, với đỉnh đèo cao đến 2.000 m so với mực nước biển. Lái xe xuyên qua biển mây ngút ngàn bay từ các sườn núi xuống mặt đường, nhiều khi chen khuất tầm nhìn là một trải nghiệm có một không hai trong hành trình của chúng tôi. Thế mới hiểu vì sao ngọn đèo này còn có tên gọi khác thân thuộc hơn là đèo Mây.

Chúng tôi vừa phải tập trung điều khiển xe lên dốc liên tục qua những khúc cua gắt, căng thẳng khi thấy quá nhiều biển cảnh báo tai nạn, vừa hào hứng tận hưởng không khí lạnh trên núi cao và trầm trồ trước cảnh đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Dãy núi Hoàng Liên Sơn sừng sững được bao phủ kín mít bởi rừng rậm xanh rì, thoắt ẩn thoắt hiện trong lớp sương mù. Thật là ngoạn mục.


Từ quốc lộ 4D rẽ sang quốc lộ 32, chúng tôi tiếp tục lái xe về Mù Căng Chải. “Người tính không bằng trời tính”, quả không sai khi nói về hành trình đến với Mù Căng Chải của chúng tôi. Dự định sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của những thửa ruộng bậc thang thuộc hàng đẹp nhất Việt Nam vào mùa lúa chín trong vài ngày, nhưng khi chúng tôi đến nơi (ngày 12/10/2018), lúa đã chín và hầu hết các cánh đồng được gặt xong. Vì thế, chúng tôi quyết định cắt ngắn lịch trình chỉ còn một ngày ở đây. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn thực sự ngỡ ngàng và mê đắm trước phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục của vùng đất cao nguyên này.

Quả không hổ danh là “thiên hạ đệ nhất” ruộng bậc thang ở Việt Nam, Mù Căng Chải hiện ra với bạc ngàn những thửa ruộng bậc thang trải dài trên khắp núi đồi, lên đến tận mây xanh. Vẻ đẹp không diễn tả thành lời này là sự kết hợp tinh hoa giữa thiên nhiên hùng vĩ và thành quả lao động đáng ngưỡng mộ của bao thế hệ người dân nơi đây.

Sắc màu đan xen giữa màu xanh của lúa non, màu vàng óng ả của lúa chín và màu nâu đất của lúa đã gặt, tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động. Hoa tam giác mạch và dàn bắp phơi khô trở thành những điểm nhấn duyên dáng cho khung cảnh thanh bình này.
Đồi mâm xôi ở xã La Pán Tẩn là một trong những điểm đến nổi tiếng ở Mù Cang Chải. Những chiếc xe máy của người dân địa phương đã đưa chúng tôi đi qua con đường đất đá cao thẳng đứng để đến gần với đồi mâm xôi này. Từ trên cao, bao quát cả triền đồi, từng thửa ruộng bậc thang chập chùng, uốn lượn như những cơn sóng nhiều màu sắc.
Thật may mắn cho chúng tôi vì lúa vẫn chín vàng ươm trên mây xôi. Nó dường như nổi bật hơn trong phong nền đất đỏ của những thửa ruộng đã gặt xong ở phía xa.
Một ngày quả là quá ít ỏi để có thể khám phá hết vẻ đẹp của Mù Căng Chải. Tôi cảm thấy hơi tiếc vì đã không nghiên cứu kĩ hơn về thời gian lúa chín ở đây nên đã đến trễ gần 2 tuần. Có lẽ, điều đó sẽ khiến tôi sẽ phải quay trở lại nơi này thêm một lần nữa.
Trở lại đầu trang
Ngày 13: Đèo Khau Phạ và trở về Hà Nội
Ngày cuối của hành trình là một chặng đường lái xe dài 320km trở về Hà Nội. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua Điểm bay dù lượn ở Mù Căng Chải. Nghe đồn rằng 2 tuần trước, nơi đây tấp nập du khách bay dù lượn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của Mù Căng Chải khi lúa chín rộ. Ngày chúng tôi đến thì khá vắng vẻ vì các đội dù lượn đã ngưng hoạt động. Chúng tôi lại thấy vui khi được ngắm Mù Căng Chải trong một không gian yên bình như thế.

Từ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy một ngọn đèo nổi tiếng nữa – Đèo Khau Phạ, thuộc tỉnh Yên Bái. Sở hữu cảnh quan hùng vĩ, huyền ảo cùng lớp mây trắng và các thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, Đèo Khau Phạ trải dài 30km ở độ cao 1200m – 1500m, vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải

Đường đèo Khau Phạ cũng là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm vì không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào.

Qua đèo Khau Phạ không xa lắm, chúng tôi đến với xã Tú Lệ. Không còn những thửa ruộng bậc thang gợn sóng lộng lẫy như Mù Căng Chải, Tú Lệ lại mang một vẻ đẹp thanh bình và dung dị, nằm lọt thỏm trong thung lũng được bao bọc bởi 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song.

Nổi tiếng với gạo nếp và cốm tươi, lại ngay mùa thu hoạch, Tú Lệ rộn ràng tiếng chày giã cốm hai bên đường. Chúng tôi ghé vào một quầy hàng và thích thú quan sát hai vợ chồng người dân tộc Thái đang giã cốm. Thật tuyệt vời khi được thưởng thức những hạt cốm xanh mướt, dẻo dai, mỏng nhẹ ngay khi vừa làm xong.

Những món ăn địa phương không thể bỏ qua
Cơm lam trong ống tre ăn với thịt nướng là món không thể bỏ qua của Sapa. Bên cạnh đó, các loại rượu tự lên men như rượu mận, táo mèo, rượu cây thuốc phiện cũng là đặc sản của vùng này.

Ngủ đêm ở đâu?
Hoàng Su Phì
- Hoàng Su Phì là một huyện khá hẻo lánh ở miền núi Tây Bắc, không có nhiều khách sạn hay nhà trọ.
- Chúng tôi chọn Panhou Village vì vẻ đẹp biệt lập của nơi này. Khách sạn nằm ở xã Thông Nguyên, cách đường DT 177 đến 13km. Đoạn đường đi vào khá nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo. Tuy nhiên khi đi vào bên trong, chúng tôi liền có cảm giác thoải mái với khu vườn rộng rãi xanh mát. Nhà hàng được thiết kế theo kiểu của Pháp với lò sưởi to ở chính giữa, trong khi đó phòng ngủ lại mang nhiều nét của dân tộc H’mông.
- Giá phòng đôi là 1.2 triệu đồng/ đêm.
- Ăn tối khá ngon với giá là 250,000 đồng/ người
Sapa
Khách sạn Eco Palm Resort ở Sapa là khách sạn mắc tiền nhất trong toàn bộ hành trình 13 ngày của chúng tôi, nhưng nó thật đáng giá từng đồng. Nằm ngay thung lũng Mường Hoa của Sapa, khách sạn được xây dựng theo tiêu chí thân thiện với môi trường, nên sử dụng các chất liệu chủ yếu là gỗ, mây, tre, lá.
Các góc trong khách sạn đều được trang trí một cách chăm chút và có tính thẩm mỹ cao.
Tầm nhìn của khách sạn đẹp không tả siết với các thửa ruộng bậc thang tự canh tác sát bên cạnh (hơi tiếc là đã được gặt hết), những ngôi làng nhỏ bé phía dưới thung lũng Mường Hoa, và dãy núi trùng điệp phía xa. Tôi vẫn nhớ cảm giác thư thái khi vừa nhìn ngắm những áng mây trắng đùa giỡn qua các sườn núi trong buổi sáng sớm dưới tiết trời lạnh 12 độ và mưa phùn rỉ rách, vừa nhâm nhi ly cà phê nóng. Thật là an nhiên.

Mù Căng Chải
Mù Căng Chải là thiên đường của các thửa ruộng bậc thang. Nơi đây thu hút một số lượng lớn khách du lịch, đặc biệt vào 2 mùa đẹp nhất của ruộng lúa là mùa nước đổ và mùa lúa chín. Các khách sạn và nhà nghỉ cũng vì thế mà mọc lên khắp nơi với nhiều loại hình khác nhau.
Chúng tôi ở tại nhà nghỉ Đò Gư ở xã La Pán Tẩn, cách đồi mâm xôi nổi tiếng khoảng 5km. Nhà nghỉ được 2 vợ chồng chủ nhà người dân tộc H’Mông tự tay xây dựng vào năm trước. Chúng tôi thật sự xúc động trước câu chuyện lập nghiệp của đôi vợ chồng trẻ này.

Chuyến đi thực hiện vào ngày 8-13/10.2018