English
Các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam nổi tiếng với phong cảnh non nước hữa tình. Hồ Ba Bể ở Bắc Cạn đem lại cho tôi cảm giác thư thái, yên bình với mặt hồ xanh biếc phẳng lặng, bao quanh bởi núi non trùng điệp. Cảnh sắc mây trời càng thêm huyền ảo trong làn sương sớm. Thác Bản Giốc ở Cao Bằng hiện ra một cách hùng vĩ và ngoạn mục, trong khi Động Ngườm Ngao lại mang vẻ đẹp huyền bí độc đáo, còn Hang Pắc Bó lại thể hiện sự uy nghiêm mang tính lịch sử.
Hành trình
- Ngày 1-2: Tham quan Hồ Ba Bể (232km), rồi lái xe đến Cao Bằng (130km)
- Ngày 3: Thác Bản Giốc và Động Ngườm Ngao (84km)
- Ngày 4: Hang Pắc Bó, suối Lê Nin, lái xe lên Mèo Vạc (184km)
(*khoảng cách tham khảo theo bản đồ Google)
Ngày 1-2: Tham quan Hồ Ba Bể, rồi lái xe đến Cao Bằng
Ngày đầu tiên chúng tôi nhận xe thuê và khởi hành tại Hà Nội lúc 8g sáng. Sau khi ra khỏi đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khá rộng và vắng xe, chúng tôi theo QL3C, rồi DT 254 đi về hướng thị trấn Bằng Lủng để tiết kiệm được 40 km thay vì đi qua thành phố Bắc Cạn. Tuy nhiên, đó là một quyết định sai lầm vì dù khoảng cách ngắn hơn và vắng xe hơn, nhưng đường rất xấu và nhỏ hẹp, lại khá sình lầy và bụi mờ mịt. Có những đoạn chúng tôi phải dừng nhường đường cho xe ngược chiều hoặc chờ xe ủi đất dẹp những chổ vừa sạt lở.

Chúng tôi ghé ăn trưa tại một quán cơm bình dân ở thị trấn Bằng Lũng, tỉnh Bắc Cạn. Món măng nhồi thịt thật khác lạ và khá ngon. Tiếp tục đi trên con đường gồ ghề đất đá thêm 1 giờ nữa, chúng tôi đến điạ phận vườn quốc gia Ba Bể, mua vé tại trạm kiểm lâm với giá 46 ngàn/ người và lái xe đi tới khách sạn nằm ngay trên ven bờ hồ. Lúc này mặt hồ Ba Bể thật yên bình với một màu xanh ngọc lấp lánh trong nắng chiều gay gắt.

Nghỉ ngơi và ngắm cảnh một lúc, chúng tôi lái xe vòng quanh bờ hồ đến Bản Pác Ngòi, cách đó 3km. Bản khá đông đúc, toàn nhà nghỉ dạng nhà chòi. Xa xa là ruộng lúa còn xanh mơn mởn và chú ngựa nhỏ đang ung dung gặm cỏ. Các em bé thật dễ thương đang chơi đùa ở sân của trung tâm văn hoá của bản.

Sáng hôm sau, chúng tôi thuê thuyền đi vào sâu bên trong Hồ Ba Bể. Đó một trải nghiệm thật yên bình. Cảnh vật như đang bừng tỉnh sau giấc ngủ say. Từ trên thuyền, chúng tôi nhìn thấy xa xa sương mù vẫn lẩn quẩn quanh các sườn núi. Nước của hồ Ba Bể có màu xanh ngọc, đục đục như pha lẫn phù sa, cũng là màu đặc trưng của sông hồ vùng núi phía bắc này.

Điểm cập bến đầu tiên của thuyền chúng tôi là Động Puông, cũng là điểm tham quan xa nhất và nổi tiếng nhất của khu vực Hồ Ba Bể, nối với sông Năng. Đi thuyền từ khách sạn đến đây khoảng hơn 1 tiếng. Cổng động nhìn từ xa không lớn lắm nhưng khi lại gần, chúng tôi khá bất ngờ với sự hùng vĩ của nó. Là một phần của núi đá vôi Lũng Nham, động Puông dần dần được hình thành khi dòng sông Năng chảy qua xuyên qua khe núi. Giờ đây nó là nơi trú ẩn của hàng ngàn con dơi với khoảng không cao rộng và cấu tạo địa chất rất độc đáo.
Rời động Puông, chúng tôi ghé thăm Ao tiên. Cảnh quang không đẹp như hình ảnh trên mạng. Đó là một ao nước xinh xắn màu xanh ngọc, không khí náo nhiệt ồn ào bởi rất nhiều hàng quán dọc lối đi đã làm mất đi vẻ bình yên vốn có của Ao Tiên. Chúng tôi khá thất vọng khi tham quan nơi đây.

Sau khi ăn trưa bữa trưa hoành tráng với những món đặc sản địa phương, chúng tôi tiếp tục lái xe đến tỉnh Cao Bằng nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Đường đi khá tốt và chúng tôi có dịp ngắm cảnh ruộng lúa lúc hoàng hôn, thật đẹp!
Trở lại đầu trang
Ngày 3: Thác Bản Giốc và Động Ngườm Ngao
Thác Bản Giốc nằm ở biên giới đường sông của Việt Nam và Trung Quốc, cách thành phố Cao Bằng 84km, được biết đến như là một trong những thắng cảnh thiên nhiên ấn tượng nhất Việt Nam và là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới trong số các thác nước nằm ở biên giới (sau thác Victoria, thác Iguazu và thác Niagara). Đường đi hôm ấy (DT 205 & DT206) khá đẹp, chỉ có điều hơi quanh co và khá dốc. Thêm vào đó, đoạn đường này là cung đường giao thương quan trọng với Trung Quốc nên có khá nhiều xe tải lưu thông, làm tôi khá căng thẳng khi phải qua mặt các xe tải to lớn đang bò một cách chậm chạp lên dốc.

Quanh cảnh trên đường đi thật ngoạn mục với đồi núi chập trùng ôm quanh cánh đồng lúa. Nhiều lúc đường đi như đâm thẳng vào ngọn núi trước mặt.
Lái xe khoảng 2 tiếng 30 phút từ Cao Bằng, chúng tôi tới thác Bản Giốc. Từ ngoài đường chính, thác Bản Giốc hiện ra một cách hùng vĩ và ngoạn mục.

Đi bộ xuyên qua cánh đồng lúa đang chín vàng ươm, chúng tôi vào đến chân thác. Chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự náo nhiệt và ồn ào của du khách từ 2 bên biên giới, trong những chiếc áo phao màu cam lè trên những chiếc bè với đang lũ lượt tiến sâu vào chân thác. Điều đó dường như làm phá tan sự hoang dã và yên bình của cảnh quang thiên nhiên nơi đây.

Tôi tìm một góc vắng người để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác nước này, cảm nhận được nét hùng vĩ và sức sống mạnh mẽ của nó.

Chúng tôi tiếp tục hành trình của mình đến Động Ngườm Ngao, là một trong những di tích quốc gia, chỉ cách thác Bản Giốc khoảng 4km. Thật là một bất ngờ thú vị vì tôi không nghĩ động Ngườm Ngao lại đẹp đến thế. Động Ngườm Ngao rất rộng với rất nhiều thạch nhũ có hình dáng độc đáo như hình múi bưởi, hay hình con thuyền.
Quang cảnh ở cửa ra của động cũng rất hùng vĩ với núi non trùng điệp
Trở lại đầu trang
Ngày 4: Hang Pắc Bó, suối Lê Nin, lái xe lên Mèo Vạc
Trước khi lái xe đường dài lên Mèo Vạc, chúng tôi ghé ngang Hang Pắc Bó, một di tích mang tính lịch sử của dân tộc. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động cách mạng. Từ cổng chính của khu di tích, chúng tôi đi xe điện khoảng 5 phút thì vào đến đầu Bản Pắc Bó. Thêm 5 phút đi bộ nữa, suối Lê nin đã hiện ra trước mắt chúng tôi với một màu xanh ngọc tuyệt đẹp, là sắc màu rất đặc trưng của sông suối Cao Bằng.

Tiếp tục đi bộ sâu vào bên trong, dọc theo suối Lê Nin, xuyên qua con đường nhỏ màu xanh với nhiều cây cổ thụ cao lớn, chúng tôi đến được Hang Pắc Bó, là nơi Bác Hồ từng sống và làm việc.
Hang Pắc Bó là một hang động rất hẹp và tối tăm, ngày nay chỉ còn trưng bày chiếc giường và bếp củi là những vật dụng mà Bác Hồ từng sử dụng.
Hôm đấy là một ngày lái xe khá vất vả vì đường đi từ Cao Bằng lên Mèo Vạc cực kì xấu. Vẫn là những con dốc cao ngoằn ngèo, nhưng nhỏ hẹp và đầy ổ gà ổ voi. Mặt đường bị cày xới ngổn ngang đất đá. Nhiều đoạn chúng tôi chỉ đi được với tốc độ 15km/giờ. Chỉ với khoảng cách 150km, chúng tôi đã mất 5 tiếng để đến Mèo Vạc. Nhưng bù lại, cảnh vật 2 bên đường rất ấn tượng với tầng lớp núi non bao quanh những thung lũng sâu cùng những mảng màu vàng xanh của ruộng lúa đang vào mùa thu hoạch.
Xem thêm các bài viết về chuyến đi Đông Tây Bắc Việt Nam
-
13 ngày chinh phục cung đường nghẹt thở ở Miền Bắc Việt Nam
-
Cao nguyên đá và những ngọn đèo ngoạn mục ở Đông Bắc Việt Nam
-
Rực rỡ ruộng bậc thang Tây Bắc mùa lúa chín
-
Những ngọn đèo đứng tim ở Đông Tây Bắc Việt Nam
Những món ăn địa phương không thể bỏ qua
Vì là vùng đồi núi sông suối nên các món ăn ở các tỉnh Đông Bắc không thể thiếu các loại hải sản nước ngọt, như cá hồ hay ốc suối. Các món ăn được chế biến đơn giản và giữ được vị thơm ngon tự nhiên của thực phẩm
Rau rừng và măng là hai món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của chúng tôi. Măng rất mềm và thơm, làm được rất nhiều món. Món măng chua cay ở Cao Bằng thật không gì sánh bằng và măng nhồi thịt cũng rất đặc sắc.

Bánh cuốn nước lèo và Phở Vịt là hai món đặc sản của Cao Bằng. Bánh cuốn không ăn với nước mắm như thường lệ mà với nước hầm từ xương. Thịt vịt rất mềm và thơm làm đậm đà vị phở. Thêm chút măng chua cay vào cả 2 món này thì tuyệt cú mèo.
Ngủ đêm ở đâu?
Việc lưu trú ở các tỉnh Đông Bắc không quá đắt đỏ và cũng có rất nhiều loại phòng ốc khác nhau, tùy thuộc vào túi tiền của mỗi người
Hồ Ba Bể
- Chổ nghỉ ngơi chủ yếu là dạng nhà chòi bình dân, tập trung đông nhất là ở Bản Pác Ngòi, giá từ 150,000-250,000 phòng/ đêm. Tuy nhiên, ở đây hơi đông đúc và ồn ào, lại không nhìn thấy cận cảnh hồ Ba Bể.
- Chúng tôi ở nhà nghỉ Anh Ngọc, trên đường DT 254, xa trung tâm hơn một chút, nhưng có thể ngắm nhìn hồ Ba Bể. Buổi sáng nhâm nhi ly ca phê nóng trong tiết trời lành lạnh, ngắm nhìn mặt hồ phẳng lặng mờ ảo trong làn sương sớm là một cảm giác bình yên đến lạ lùng
Cao Bằng
Cao Bằng là một thành phố khá sầm uất nên giá cả nhà nghỉ cũng cao hơn. Chúng tôi chọn khách sạn ngay trung tâm để tiện việc ăn uống và đi lại. Khách sạn Jeanne trên đường Kim Đồng là một lựa chọn hợp lý với giá 850 ngàn/ đêm cho phòng 2 người
Mèo Vạc
Ngôi nhà cổ Auberge ở Mèo Vạc là nơi yêu thích nhất của tôi bởi nét duyên mộc mạc và không gian ấm cúng. Chúng tôi đã có một bữa tối thân tình trong thời tiết se lạnh, vừa thưởng thức các món ăn tuyệt vời và những ly rượu được chưng cất một cách thủ công, vừa lắng nghe say mê câu chuyện lập nghiệp của anh chủ trẻ có nhiều tâm huyết với quê hương.
Chuyến đi thực hiện vào ngày 30/9-3/10/2018