Bắc (North), Road trip, Tiếng Việt

Những ngọn đèo đứng tim ở Đông Tây Bắc Việt Nam

English

Một trong những lý do thực hiện chuyến lái xe xuyên Đông Tây Bắc Việt Nam lần này của tôi là những ngọn đèo dốc, nổi tiếng vì độ hiểm trở có thể làm đứng tim những tay lái không chuyên. Bản thân tôi là người thích những chuyến du lịch bằng xe tự lái và cũng có một số kinh nghiệm lái xe đường dài. Nhưng lái xe trên những ngọn đèo khúc khủy như ở miền bắc Việt Nam thì lại là một thách thức hoàn toàn khác.

13 ngày đã trôi qua với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen liên tục, từ hồi hộp, căng thẳng, tập trung khi vượt qua những khúc cua nguy hiểm, đến hào hứng, ngạc nhiên, thích thú trước phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục hiện ra sau khúc cua ấy, không thể diễn tả thành lời. Tôi thật sự tự hào với chính mình khi đã chinh phục được những ngọn đèo đứng tim này.

IMG_0989
Tôi và chiếc xe, đâu đó ở Cao Bằng, Việt Nam

1. Đèo Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Hà Giang

Đèo Mã Pí Lèng không hổ danh là một trong 4 đại đỉnh đèo của vùng núi phía bắc. Chỉ với độ dài 20km, nằm trên “con đường Hạnh Phúc” nối liền 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, ở độ cao 1500m so với mực nước biển, đèo Mã Pí Lèng nổi tiếng bởi những khúc cua tay áo tử thần, độ dốc cao và phong cảnh thiên nhiên kì vĩ ngoạn mục.

DSCF1845
Đường 193A đi về phía cửa khẩu Săm Pun, chụp từ đèo Mã Pí Lèng

Chúng tôi rẽ vào đường 193A ngay ngã ba dưới chân đèo Mã Pí Lèng để đi xuống gần đến sông Nho Quế. Lái xe ở cung đường này là một trải nghiệm tuyệt vời, khi cảnh vật hiện ra huyền ảo một cách bất ngờ qua mỗi một khúc cua. Mây mù len lỏi giữa những ngọn núi, chúng tôi mở cửa sổ xe để hít thở mùi hương cây cỏ trong lành và cảm nhận cái lạnh của tiết trời thu 12 độ. Dù chỉ là một đoạn đường ngắn, chúng tôi như muốn dừng lại mỗi năm phút để ghi nhận trọn vẹn khung cảnh thiên nhiên ấn tượng này.

This slideshow requires JavaScript.

Quay trở lại ngã ba, chúng tôi bắt đầu đi lên đèo Mã Pí Lèng. Đường lên dốc với những khúc cua gắt liên tiếp từ độ cao 800m đến độ cao 1500m quả là một thử thách cho mọi tay lái. Khi lên đến điểm ngắm cảnh trên đỉnh đèo, chúng tôi sững sờ khi nhìn dòng sông Nho Quế màu xanh ngọc uốn lượn giữa khung cảnh núi non trùng điệp .

DSCF1751.jpg
Toàn cảnh sông Nho Quế nhìn từ điểm ngắm cảnh trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng

Từ đây, chúng tôi cũng có thể thấy một vùng cao nguyên đá vôi mênh mông với vô vàn những tảng đá màu đen lởm chởm không đếm xuể, vốn là cấu tạo địa chất độc đáo nhất của vùng này.

DSCF1770
Đèo Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Hà Giang

2. Dốc 9 Khoanh, Phố Cáo, Đồng Văn

Dốc 9 Khoanh là một trong những con dốc đầy thách thức ở Đồng Văn về độ xoắn và 9 đoạn cua liên tiếp rất gắt nằm ở độ cao 1400m. Tương truyền, cặp đôi nào đi chợ Phố Cáo về mà leo hết những khoanh dốc này sẽ nên duyên vợ chồng.

DSCF2147
Dốc 9 Khoanh mờ ảo trong làn sương ở Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang
doc 9 khoanh.jpg
Dốc 9 Khoanh nhìn từ trên cao – Ảnh của Cinvesta Travel

Vườn hoa tam giác mạch đang nở rộ nằm ngay đầu Dốc 9 Khoanh làm cho cung đường hiểm trở này mềm mại và thơ mộng hơn.

DSCF2065
Vườn hoa tam giác mạch đầu Dốc 9 Khoanh đầu tháng 10/18, đường vào Phố Cáo, Đồng Văn

Hoa tam giác mạch là một loài hoa đặc trưng của vùng núi Đông Bắc, chỉ nở hoa vào mùa thu (khoảng tháng 10). Cánh hoa nhỏ bé với nhiều sắc màu trắng hồng đang đua nhau khoe sắc trong tiết trời se lạnh đầu thu.

3. Dốc Thẩm Mã, Đồng Văn

Dốc Thẫm Mã trên đường từ Đồng Văn tới Yên Minh là một con dốc có một không hai, nổi tiếng với chín khúc uốn lượn cực kì thách thức, đặc biệt là trong những ngày sương mù dày đặc.

DSCF2148
Dốc Thẩm Mã, Đồng Văn, Hà Giang

Rất nhiều người nhầm lẫn con dốc này với Dốc 9 Khoanh ở Phố Cáo vì đều có 9 khúc cua đứng tim, và cùng nằm trên QL4C, chỉ khác là chúng cách xa nhau 7km. Cùng nằm trên độ cao hơn 1000m, cả hai con dốc này đều là những cung đường quen thuộc cho những ai muốn thử thách tay lái của mình. Nếu đi từ Đồng Văn về Hà Giang trên quốc lộ 4C sẽ gặp Dốc 9 Khoanh trước, rồi mới đến Dốc Thẫm Mã.

DSCF2172
Dốc Thẩm Mã như biến mất trong làn sương mù

Dốc Thẩm Mã được hiểu theo nghĩa đen là con dốc dùng để thẩm định sức ngựa. Tương truyền rằng, xưa kia chính tại con dốc này người ta cho ngựa thồ hàng từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào mà lên đến đỉnh vẫn còn khỏe là con ngựa tốt thì người dân giữ lại nuôi. Những con ngựa nào đi hết dốc mà yếu, thở không ra hơi thì đã có chảo thắng cố đợi sẵn.

DSCF2189.JPG
Dốc Thẩm Mã, Đồng Văn, Hà Giang

Trên đỉnh dốc Thẩm Mã tập trung khá đông các em bé người dân tộc H’Mông với những giỏ hoa dại đầy màu sắc. Nét ngây thơ có phần nào đượm buồn vì phải kiếm sống phụ giúp gia đình khi tuổi còn quá nhỏ.

78a2a4bec09320cd7982
Các em bé H’mông ở đỉnh dốc Thẩm Mã, Đồng Văn, Hà Giang

Dưới chân dốc Thẩm Mã là một vườn hoa tam giác mạch còn đang e ấp chưa nở hết. Những bông hoa bé nhỏ như được bao bọc trong lòng cao nguyên đá sừng sững và vững chải.

DSCF2198
Vườn hoa tam giác mạch dưới chân Dốc Thẫm Mã

4. Dốc Bắc Sum, Quản Bạ

Dốc Bắc Sum là một con dốc đầy thách thức nữa của Hà Giang. Nhìn từ trên đỉnh núi, dốc Bắc Sum như một dải lụa mềm mại vắt ngang qua những dãy núi Tây Bắc. Nhìn yểu chuyển dịu dàng là thế, dốc Bắc Sum lại là một con đường hiểm trở với nhiều điểm khúc cua tay áo và mặt đường đất đá lởm chởm.

DSCF2264.jpg
Dốc Bắc Sum nhìn từ Cổng Trời Quản Bạ

Càng lên cao, chúng tôi càng thêm mê mẫn trước vẻ đẹp mỹ lệ của dốc Bắc Sum. Cảnh tượng xung quanh như một chốn bồng lai với những áng mây trôi lãng đãng bên sườn núi và len lỏi giữa những cánh rừng xanh căng tràn sức sống.

DSCF2262.JPG
Dốc Bắc Sum, Quản Bạ, Hà Giang

5. Đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai

Không lâu sau khi ra khỏi trung tâm Sapa theo QL4D, chúng tôi đã được dạo chơi trên mây ở Đèo Ô Quy Hồ – một trong “Tứ Đại Đỉnh Đèo” của miền núi phía Bắc Việt Nam.

GPTempDownload
Cuộc dạo chơi trên mây ở Đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai, Việt Nam

Đèo Ô Quy Hồ là ngọn đèo dài nhất Tây Bắc Việt Nam (hơn 50km) cắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, với đỉnh đèo cao đến 2.000 m so với mực nước biển. Lái xe xuyên qua biển mây ngút ngàn bay từ các sườn núi xuống mặt đường, nhiều khi chen khuất tầm nhìn là một trải nghiệm có một không hai trong hành trình của chúng tôi. Thế mới hiểu vì sao ngọn đèo này còn có tên gọi khác thân thuộc hơn là đèo Mây.

GPTempDownload - Copy
Mây mù che khuất tầm nhìn trên đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai, Việt Nam

Chúng tôi vừa phải tập trung điều khiển xe lên dốc liên tục qua những khúc cua gắt, căng thẳng khi thấy quá nhiều biển cảnh báo tai nạn, vừa hào hứng tận hưởng không khí lạnh trên núi cao và trầm trồ trước cảnh đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Dãy núi Hoàng Liên Sơn sừng sững được bao phủ kín mít bởi rừng rậm xanh rì, thoắt ẩn thoắt hiện trong lớp sương mù. Thật là ngoạn mục.

DSCF2702.JPG
Dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ xanh rì trên Đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai, Việt Nam
DSCF2706
Cảnh hùng vĩ mây và núi trên đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai

6. Đèo Khau Phạ, Yên Bái

Sở hữu cảnh quan hùng vĩ, huyền ảo cùng lớp mây trắng và các thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, Đèo Khau Phạ trải dài 30km ở độ cao 1200m – 1500m, vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải

DSCF2886
Đèo Khau Phạ, Yên Bái, Việt Nam

Đường đèo Khau Phạ cũng là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm vì không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào.

DSCF2888.JPG
Những bông hoa dại màu vàng tô điểm thêm vẻ đẹp của Đèo Khau Phạ

Hy vọng một ngày không xa, tôi lại có dịp chinh phục thêm những ngọn đèo hiểm trở khác trên mọi miền của đất nước Việt Nam.

Chuyến đi được thực hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, 2018

Xem thêm các bài viết về Đông Tây Bắc Việt Nam

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s