Sri Lanka, Tiếng Việt

Polonnaruwa – 5 di tích ấn tượng của thành phố cổ xưa

English

Đến một nước Phật Giáo mà không đi thăm những di tích liên quan chắc sẽ là một thiếu sót lớn. Tôi không biết gì về Phật Giáo, chỉ biết Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ. Đến đây, tôi vừa đi tham quan, vừa đọc thêm thông tin, hi vọng có thể cải thiện sự hiểu biết của mình về tôn giáo này (mà thật ra sau khi đi về thì cũng không khá hơn bao nhiêu… haizzz).

IMG_3442
Uống nước dừa trên đường đi

Điểm đến đầu tiên của tôi là Polonnaruwa (tên các địa danh ở Sri Lanka rất dài và rất khó nhớ), là một thành phố hoàng gia cổ xưa từ thế kỉ thứ 10, được UNESCO cộng nhận là di tích văn hoá thế giới, nằm cách sân bay Colombo gần 200km.

Khởi hành từ khách sạn ở gần sân bay Colombo lúc 9h sáng, sau 4h trên xe hơi tôi đã đến thị trấn Habarana (thị trấn gần khu di tích nhất) khoảng 1h trưa, ăn uống nghỉ ngơi 1 chút lại tiếp tục đi thêm hơn 1 tiếng nữa thì tôi đến Polonnaruwa. Lúc đó đã là 3:30h chiều mà khu di tích sẽ đóng cửa lúc 5h chiều. Thui kệ, xem được bao nhiêu thì xem, tôi mua vé vào cổng với giá 25$ và bắt đầu đi tham quan. Lưu ý là ở Sri Lanka, người nước ngoài rất được “ưu tiên”, mua vé với giá đắc đỏ để vào các điểm tham quan, trong khi người địa phương thì được miễn phí hoặc giá vé rất rẻ.

Do không có nhiều thời gian, tôi tạt nhanh qua nhà bảo tàng (nằm gần chổ bán vé) để coi sơ lược mô hình thu nhỏ của toàn bộ khu di tích và lựa chọn điểm tham quan. Quả là đáng ngạc nhiên vì tôi không nghĩ là khu di tích lại rộng lớn đến thế, với nhiều khu vực, như khu dinh thự và hội họp của hoàng gia, khu đền thờ với các tượng phật, khá nhiều lăng mộ & tháp chuông. Các khu vực hơi cách xa nhau, nếu đi bộ thì chắc bạn sẽ mất nửa ngày để có thể tham quan hết khu di tích. Tôi thấy nhiều du khách tham quan bằng xe đạp, cũng là một lựa chọn thay thế thú vị và đỡ mất thời gian. Thật may là tôi có xe hơi nên đã có thể đi tham quan những điểm quan trọng trong khu di tích trong vòng 5 nốt nhạc (thật ra là 1 tiếng 30 phút).

Dưới đây là 5 di tích để lại ấn tượng lớn cho tôi về thành phố hoàng gia cổ xưa Polonnaruwa.

1. LÂU ĐÀI HOÀNG GIA

Di tích đầu tiên tôi tham quan khi vừa bước vào cửa của thành phố cổ xưa là Lâu đài Hoàng Gia. Khu dinh thự này được vua Parakramabahu I xây dựng từ thế kỷ thứ 12 (1153 – 1186). Mặc dù có diện tích khá rộng lớn 31m nhân 13m, ngày nay khu dinh thự chẳng còn lại gì ngoài một vài bức tường với độ dày lạ thường (3 mét).

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-royal-palace
Những gì còn lại của Lâu đài hoàng gia, Polonnaruwa, Sri Lanka

Những dãy lỗ lớn trên bức tường chính diện cho thấy chúng được dùng để giữ những dầm sàn cho 2 tầng nhà cao bên trên. Vì thế thật khó hình dung tòa nhà này từng có 7 tầng với 50 phòng, được nâng đỡ bằng 30 cột trụ. Các chuyên gia khảo cổ đã phỏng đoán rằng 4 tầng bên trên lớp đá này phải được xây dựng bằng gỗ.

Thật là một tòa dinh thự nguy nga vào thời đại cổ xưa đó!

2. PHÒNG HỌP QUỐC HỘI

Nằm ngay trước Lâu đài Hoàng Gia, Phòng họp Quốc Hội là một trong những di tích được bảo tồn khá nguyên vẹn trong thành phố cổ. Phòng họp được xây dựng trên một bệ đất cao nhiều tầng, cầu thang dẫn lên trên trông rất ấn tượng với 2 con sư tử ở 2 bên.

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-phong-hop
Phòng họp quốc hội

Bệ 3 tầng của phòng họp Quốc hội được trạm khắc công phu với phù điêu của những linh vật như voi, sư tử và người lùn. Trên 48 cột trong phòng họp đều có khắc tên của những bộ trưởng để đánh dấu vị trí ghế ngồi của họ.

3. NHÀ THÁCH TÍCH HÌNH TRÒN

Là di tích tôi thích nhất trong thành phố cổ Polonnaruwa vì nét đẹp độc đáo và khác lạ của nó. Đây cũng là điểm nhất định phải tham quan của tất cả du khách. Từ vatadage dịch theo nghĩa đen là Nhà thánh tích hình tròn. Di tích nằm bên trong quần thể Tư Giác linh thiêng và không xa lắm so với Lâu đài Hoàng gia. Nhà thánh tích hình tròn được xây dựng trên một nền đất được bồi cao, bao bọc bởi 1 bức tường tròn nhìn giống như một đấu trường La Mã.

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-thanh-tich-2
Nhà thánh tích hình tròn, Polonnaruwa, Sri Lanka

Đường viền tròn ngoài cùng có đường kính thật ấn tượng, đến 18m, với 4 cổng vào đều được trạm khắc 2 bên bởi những thần giữ cửa bằng đá được bảo tồn nguyên vẹn. Tảng đá nửa mặt trăng dưới chân cầu thang ở cổng vào phía Bắc được đánh giá là một trong di tích nửa mặt trăng đẹp nhất trên toàn Sri Lanka. Nó được trạm khắc một cách tinh tế (từ trong ra ngoài) với hình ảnh hoa sen, ngựa, voi và thiên nga.

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-thanh-tich-4

4 cổng vào đều dẫn đến tháp trung tâm với 4 tượng Phật bằng đá, quay mặt về 4 hướng. Ba trong số 4 bức tượng này đều còn nguyên vẹn như thời thế kỷ 12. Bức tượng thứ 4 bị mất phần  đầu và thân của tượng Phật. Người dân địa phương thường đem hoa hoặc trái cây lên dâng Phật. Khi đi vào nhà Thánh tích hình tròn, tất cả mọi người được yêu cầu cởi dép, đi chân trần để thể hiện sự tôn kính với di tích và những tượng Phật.

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-thanh-tich-3-statue
Tháp trung tâm gồm 4 tượng Phật quay mặt về 4 hướng, Polonnaruwa, Sri Lanka
polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-thanh-tich-statue
Tượng Phật ngồi ở tháp trung tâm. Tượng bên trái bị mất phần đầu và thân của Phật

4. RANKOT VIHARA

Rankot Vihara là tháp chuông lớn nhất ở thành phố cổ Polonnaruwa, và lớn thứ tư trên toàn Sri Lanka với chiều cao ấn tượng là 54 mét. Tháp được vua Nissanka Malla xây dựng vào thế kỉ 12 (1187 – 1196).

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-Rankot-Vihara
Tháp chuông Rankot Vihara, Polonnaruwa, Sri Lanka

Đây thực sự là một công trình kiến trúc đáng kinh ngạc vì vẫn được gìn giữ trong điều kiện tốt đến thế. Xung quanh tháp chuông khổng lồ là những ngôi nhà nhỏ đan xen với những cây hoa, được bao bọc bởi 1 lối đi phủ cát rộng thênh thang. Tất cả mọi người được yêu cầu đi chân đất khi vào tham quan, điều đó làm cho việc đi dạo xung quanh tháp không dễ chịu chút nào (ít nhất là đối với tôi) vì nền cát rất nóng và lồi lõm.

Tháp chuông được che phủ bởi rất nhiều cây cổ thụ, mà một số chúng cũng lâu đời như chính tháp chuông.

5. GAL VIHARA

Gal Vihara là một quần thể gồm 4 tượng Phật rất lớn và còn nguyên vẻ đẹp cổ kính. Khi xưa tất cả các tượng này đều được điêu khắc từ một phiến đá granite dài. Cũng có thời kì, mỗi bức tượng được rào trong một khu vực riêng biệt.

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-phat-nam-2

Tượng Phật đứng cao 7 mét, và được xem là đẹp nhất trong bộ tượng này với kiểu khoanh tay không giống bình thường và nét mặt có phần đau khổ. Tượng Phật nằm dài 14 mét, mô tả cảnh Đức Phật đi vào cõi Niết Bàn. Điểm chú ý là nét thanh thản trên gương mặt, độ lún nhẹ trên gối ở phần dưới đầu, biểu tượng hoa sen ở đầu chiếc gối và ở bệ dưới chân đức Phật. Hai bức tượng còn lại đều là tượng Phật ngồi. Đường nét trạm trỗ tận dụng một cách tuyệt vời những vân đá tự nhiên, mang lại dáng vẻ khoan thai tự tại.

polonnaruwa-5-di-tich-an-tuong-cua-thanh-pho-co-xua-phat-nam
Tư thế ngủ thanh thản của tượng Phật nằm, Polonnaruwa, Sri Lanka

Mặc dù với thời gian khá ngắn, tôi cảm thấy rất thú vị khi tham quan ở Polonnaruwa. Tôi gặp gỡ và nói chuyện với nhiều em học sinh, tất cả các em đều trông rất sáng sủa và thông minh. Họ chính là thế hệ trẻ đầy tiềm năng của Sri Lanka.

Hoàng hôn thật rực rỡ trên đường về lại Habarana. Tôi còn bắt gặp một chú voi đi lang thang trên đường lúc chạng vạng tối. Thật là một ngày trọn vẹn.

THÔNG TIN HỮU ÍCH

  • ĐI ĐẾN ĐÂY BẰNG CÁCH NÀO: Bằng xe buýt từ Colombo (6 tiếng), Kandy (3 tiếng), Anuradhapura (3 tiếng), Dambulla hay Habarana (1 tiếng). Hoặc có thể thuê xe hơi với tài xế từ bất kỳ nơi nào (như tôi thuê xe đi từ sân bay Colombo).
  • VÉ VÀO CỔNG: Giá vé là 25 US$ cho người lớn/ 12.50 US$ cho trẻ em
  • ĐI THAM QUAN BẰNG CÁCH NÀO : Đi bộ, thuê xe đạp, xe tuk tuk hoặc taxi
  • NÊN ĂN MẶC THẾ NÀO: Giống như đi vào chuà chiềng hoặc những nơi thờ cúng liêng thiêng khác tại Sri Lanka, bạn nên mặc quần áo phủ đầu gối và vai (đặc biệt là phụ nữ). Ngay cả khi đi vào một số di tích trong thành phố cổ, bạn được yêu cầu phải bỏ nón và dép.

Đi ngày 8 tháng 4, 2018

Xem thêm các bài viết khác về Sri Lanka

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s