Tiếng Việt, Trekking, Vietnam

Sơn Đoòng – Câu chuyện đằng sau những bức ảnh huyền hoặc

English

Để chụp một bức ảnh phong cảnh đẹp, thật là đơn giản nếu bản thân cảnh vật ấy đã đẹp sẵn rồi, bạn chỉ cần một cái điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh, thế là xong. Nếu bạn có kĩ năng một chút và một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, bức hình sẽ long lanh và khác biệt hơn hẳn. Phong cảnh ở Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, đương nhiên là đẹp một cách sững sờ như tranh vẽ với tất cả sự hoang sơ, huyền bí và ma mị của nó. Nhưng để ghi lại vẻ đẹp ấy, bạn cần nhiều hơn là kĩ năng của bản thân và một chiếc máy ảnh.

Mỗi bức hình tôi chụp trong chuyến thám hiểm Sơn Đoòng đều có câu chuyện riêng của nó. Có những bức hình là tác phẩm của cả một tập thể, là sự phối hợp ăn ý, là nổ lực và quyết tâm của tất cả mọi người, và tôi chỉ may mắn là người bấm máy. Có những bức hình là những khoảng khắc vô giá khi tôi vô tình bắt được nét đẹp tuyệt trần của tạo hoá, trong khi những tấm hình khác lại đem lại cho tôi những cảm xúc không thể nào quên.

Những bức hình của tôi có thể không đẹp bằng những hình bạn thấy trên mạng vì tôi không phải là nhiếp ảnh gia, và cũng không có máy ảnh chuyên nghiệp, nhưng đó chính là hành trình đáng nhớ của tôi và những người bạn đồng hành.

Tấm hình #1: “Dòng sông chảy về phía em”

Đây là bức hình yêu thích nhất của tôi, được chụp vào ngày thứ 2 của hành trình, sau khi leo 80m xuống Hang Sơn Đoòng. Để chụp được bức hình này, mọi người trong đoàn phải trầm mình dưới dòng suối lạnh ngập đến đầu gối khoảng 20 phút. Tôi và một cô bạn đồng hành người Úc, cầm theo máy ảnh và chân máy, được chuyên gia hang động dẫn đi một lối khác, khá là cheo leo và hiểm trở. Tôi hồi hộp sắp đặt chân máy sát vách đá trong khung cảnh tối om với ánh sáng leo lét từ những cái đèn pin đeo trên đầu. Thậm chí tôi không nhìn rõ khung cảnh mình sẽ chụp. Anh chuyên gia thì hò hét trên máy bộ đàm với đội ánh sáng để chỉ dẫn cách chiếu sáng, mà âm thanh thì tiếng được tiếng mất. Phải mất hơn 15 phút mọi thứ mới được sắp xếp ổn thỏa.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-1-bts
Cả đội phải ngâm mình trong dòng suối lạnh khoảng 20 phút

Và rồi tất cả các đèn pha được bật sáng, soi rọi vùng hang động tối tăm. Tôi bắt đầu bấm máy, chụp phơi sáng trong 10s. Khung cảnh hiện ra trên màn hình máy ảnh của tôi ngoạn mục một cách đáng kinh ngạc, giống như cảnh trong phim về không gian ảo. Tôi ngẩn người, không biết có phải đây là cảnh mình vừa chụp xong. Thay đổi một vài thông số trên máy ảnh, tôi bấm máy khoảng 10 tấm và đây là tấm tôi ưng ý nhất.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-1
Con suối ngầm bên trong Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam

Đây là nơi tôi sắp đặt chân máy để chụp tấm hình phía trên, chính xác là đi về phía ánh đèn bên phải khoảng 3m nữa. Địa hình rất gồ ghề và chật hẹp, tôi phải điều chỉnh mãi mới lấy được thăng bằng cho chân máy. Vừa chỉnh máy vừa run vì chỉ cần hụt chân là rơi xuống vách đá ngay. Cám ơn bạn của tôi đã chụp tấm hình lúc quay ra, chứ nếu không, tôi cũng không biết mình đứng ở chỗ nào.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-1-bts-2
Đâu đó trong hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam

Tấm hình #2: “Những ánh sao rơi”

Để chụp được bức hình này, nguyên đoàn chia thành 2 nhóm, nhóm người mẫu và nhóm chụp hình. Một số người không thực sự chụp hình cũng tham gia nhóm chụp hình vì góc nhìn sẽ toàn cảnh và ngoạn mục hơn. Hai nhóm đi hai hướng khác nhau, nhóm chụp hình phải trèo lên vách núi cao với những tảng đá tròn và cao gần ngang vai mình, trong khi nhóm người mẫu lại đi xuống phía thung lũng sau đó trèo lên sườn núi. Sau khi nhóm chụp hình sắp đặt xong máy móc thiết bị trên đỉnh đồi, ngồi đợi 5 phút thì nhóm người mẫu mới vào vị trí. Các chuyên gia hang động liên lạc qua bộ đàm để di chuyển vị trí đứng của người mẫu và hướng của đèn pha. Mọi thứ xong xuôi, thế là mình bấm máy.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-2.png
Vườn địa đàng, Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam

Còn đây là nơi đặt máy để chụp tấm hình trên. Trèo lên những tảng đá cao này cũng không phải là chuyện dễ dàng với một đứa chân ngắn như mình.

Tấm hình #3: “Khoảng khắc”

Ngày thứ 3 khi gần đến bức tường Việt Nam, cả nhóm được thông báo là sẽ đi bằng thuyền vì nước lớn, thay vì phải lội bùn. Cả nhóm mừng rơn vì đỡ mệt hơn rất nhiều, và quan trọng là được tắm sau 1 ngày leo trèo vất vả nhất của hành trình. Tôi nghĩ ngay đến việc chụp hình vì đã thấy những bức hình đẹp lung linh trên mạng, được chụp ở đây khi có nước lớn. Tôi hỏi chuyên gia thì ông ấy bảo những tấm hình ấy được chụp với điều kiện có rất đèn chiếu sáng chuyên dụng lắp đặt ở dưới nước. Tuy nhiên nếu tôi vẫn muốn thử thì hãy lợi dụng đèn pha của những chiếc thuyền khi đi ra để hắt sáng xuống mặt nước và vách đá. Thế là tôi vội vàng chạy tới địa điểm và sắp xếp chân máy để bắt kịp cảnh đoàn thuyền đang quay ra.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-3
Đường vô Bức tường Việt Nam, Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam

Đặt tên tấm hình này là “Khoảng khắc” vì chỉ đúng trong khoảng khắc tích tắc đó, tôi đã vô tình bắt được rõ nét hình ảnh phản chiếu của con thuyền cùng ánh đèn hắt lên vách đá. Bức ảnh thể hiện được chiều sâu cũng như độ rộng lớn của hang Sơn Đoòng. Ánh sáng le lói làm khung cảnh trở nên ma mị một cách đầy bí ẩn.

Tấm hình #4: Lỗ hổng vũ trụ

Vào ngày thứ 4 khi bắt đầu quay trở ra, chúng tôi đã thấy cảnh đánh kinh ngạc này, một lổ hổng tự nhiên rất lớn và tròn trịa xuyên qua vách núi đá thẳng đứng, như có bàn tay người khoan cắt để đi xuyên qua vậy. Đây là loạt hình mà mình mất nhiều thời gian nhất để chụp, không phải vì độ khó để sắp xếp, mà vì có quá nhiều người mẫu. Mỗi lần chụp chỉ một người, mỗi người lại chụp nhiều tư thế tạo dáng khác nhau, và chúng tôi có hơn 10 người. Đây là tư thế độc đáo nhất được thực hiện bởi một em hướng dẫn của đoàn.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-4.png
Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam

Việc leo lên leo xuống cũng là cả một vấn đề vì lổ hổng khá cao và trơn trượt. Tôi đặt chân máy ở vách đá cheo leo đối diện, ngồi chụp trong tư thế không thoải mái này hơn một tiếng làm tay và cổ của tôi bị mỏi rã rời. Bù lại, mọi người ai cũng thích thú vì những tấm hình có một không hai tại đây.

Tấm hình #5: “Gương mặt Ác quỷ”

Vọng Khủng Long là địa điểm được yêu thích nhất trong Hang Sơn Đoòng, bởi cấu trúc địa chất độc đáo và khác biệt của nó. Những gò đá phủ rêu xanh khổng lồ nằm ngay chính giữa, bị xói mòn tạo thành những vòng tròn tam cấp nhìn giống dấu chân của một con khủng long. Đây cũng là nơi cho chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất sự rộng lớn ngoạn mục của hang động này.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-vong-khung-long-panorama
Vọng Khủng Long, Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt

Ngồi yên trong không khí tĩnh mịch của hang động, lắng nghe tiếng gió rít qua khe núi, tiếng côn trùng văng vẳng đâu đó, ngắm nhìn khu rừng dưới lòng đất mọc len lỏi giữa các vách đá, quanh năm không người chăm sóc mà vẫn xanh tươi đến kì lạ, tôi chợt nhận ra thiên nhiên có quy luật sinh tồn riêng của nó. Con người cũng chỉ là một sinh linh thật nhỏ bé trong thế giới tự thiên hoang dã này.

Ấn tượng nhất là “Gương mặt ác quỷ” được tạo ra từ những hốc đá khổng lồ trên vách hang động và mỏm đá nằm chính giữa. Gương mặt đầy nét giận dữ và có phần đau khổ.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-5.png
“Gương mặt ác quỷ” tại Vọng Khủng Long, Hang Sơn Đoòng, Việt Nam

Tấm hình #6: “Phật trăm tay nghìn mắt”

Gò đá màu xanh khổng lồ nằm ngay tâm điểm của Vọng Khủng Long là địa điểm chụp hình lý tưởng của chuyến đi. Vì thế, mọi người phải tuần tự chờ đến lượt của mình nếu muốn có một tấm hình kỉ niệm tại nơi này. Người mẫu sẽ leo lên gò đất bên trái, trong khi người chụp hình sẽ đứng trên mỏn đất bên phải để chụp qua.

Chúng tôi đã có một loạt hình rất nhí nhố và đây tấm hình vui nhất khi ý tưởng Phật trăm tay nghìn mắt đã được hiện thực hóa có phần nào giống 1 con rết khổng lồ.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-6.png
“Phật trăm tay ngàn mắt” tại Vọng Khủng Long, Hang Sơn Đoòng, Việt Nam

Tấm hình #7: Khu vườn bí ẩn

Quả như tên gọi là Vườn Địa Đàng, bạn không thể tưởng tượng được rằng trong tận cùng hang sâu lại có một khu rừng nguyên sinh xanh mát không diễn tả thành lời đến nhường ấy nếu không tận mắt chứng kiên. Ánh sáng huyền ảo từ miệng giếng trời khổng lồ với hình dáng như nửa vầng trăng đem lại nguồn sinh khí cho tòa bộ khu rừng rộng lớn này.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-7.png
Vườn địa đàng, hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, Việt Nam

Tôi cứ lặng người đứng mãi ở đây, hít thở mùi thơm của cây cỏ và cảm nhận được sức sống mãnh liệt của chúng khi chúng đua nhau vươn lên đón ánh sáng mặt trời. Sắc xanh tươi sáng ấy hòa cùng những tam cấp tự nhiên do xói mòn tạo thành làm nên một bức tranh thiên nhiên sống động, không giống bất kỳ thứ gì tôi từng trải qua trên hành tinh này, huyền hoặc một cách kinh ngạc.

Tấm hình #8: “Hơi thở của hang động”

Đây là toàn bộ hình ảnh giếng trời đầu tiên của Hang Sơn Đoòng vào ngày thứ 3 của hành trình. Hình ảnh phản chiếu xuống nền đất ướt sũng nước, được tạo ra bởi những cơn mưa vài ngày trước thật lung linh huyền ảo. Chúng tôi đã có một bữa ăn trưa ấn tượng và đáng nhớ của hành trình trong cảnh đẹp như cõi thần tiên này, ngắm nhìn làn sương mù bay ra bay vào giếng trời như thể hang động là một sinh vật có sự sống, đang hít thở không khí trong lành.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-8-doline-2

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-8-bts.png
Ăn trưa trước cảnh thiên nhiên ngoạn mục ở giếng trời 1

Thật tự hào để chia sẻ 1 đoạn video ngắn mà tôi đã thực hiện để lưu giữ lại hơi thở của Sơn Đoòng.

Tấm hình #9: “Soi bóng”

Những túp lều xinh xắn soi bóng xuống vũng nước xanh biếc, tàn dư của đợt lũ năm ngoái, tô điểm thêm khung cảnh yên bình của Hang Én, cửa ngõ vào hang Sơn Đoòng.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-9.png
Hang Én, Quảng Bình, Việt Nam

Sau cả ngày đi bộ và leo trèo vất vả dưới cái nắng nóng gay gắt của ngày đầu tiên, khi lên đến đỉnh núi và nhìn thấy cảnh này, dường như bao mệt nhọc của chúng tôi tan biến hẳn. Thật sảng khoái khi được rũ bỏ bùn đất trong làn nước mát, dù biết rằng không trong sạch cho lắm.

Tấm hình #10: “Một thế giới khác”

Hình này được chụp trên đường rời khỏi hang Én vào ngày thứ 2. Đường leo lên tương đối cao và đầy phân dơi với mùi hương không dễ chịu gì cho lắm.  Những chiếc lều màu vàng trong như những món đồ chơi nhỏ bé là điểm nhấn cho khung cảnh rộng lớn này. Không thể tưởng tượng được là quang cảnh đẹp như vậy sẽ biến mất vào vài tháng trong năm khi lũ kéo về. Lúc đó toàn bộ hang Én sẽ chìm trong biển nước. Là lối đi chính vào hang Sơn Đoòng, nên khi Hang Én ngập nước, Hang Sơn Đoòng lại tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Kể ra thiên nhiên cũng tuyệt đẹp và cũng thật khắc nghiệt. Vẻ đẹp bí ẩn chỉ dành cho những người dám dấn thân và khám phá.

son-doong-cau-chuyen-dang-sau-nhung-buc-anh-huyen-hoac-pic-10
Hang Én, Quảng Bình, Việt Nam

Chuyến đi thực hiện tháng 7, 2016

Xem thêm về hành trình thám hiểm 5 ngày tại hang Sơn Đoòng

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s