Hành trình road trip của chúng tôi – 14 ngày xuyên đảo Nam của New Zealand – đã đi đến chặng cuối cùng, nhưng phong cảnh thiên nhiên ở đất nước này vẫn không ngừng làm chúng tôi ngỡ ngàng.
Nếu những ngày đã qua là khung trời xanh mát ở Christchurch, hay sự chuyển đổi ngoạn mục từ cung đường bờ biển Punakaiki lên đến vùng núi cao Crown Range, hay sự bình yên an nhiên ở Wanaka, và thời tiết có phần ảm đạm ở Milford Sound, thì giờ đây chúng tôi được trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ của Glenorchy, sự hùng vĩ của núi Cook với dòng sông băng trắng xóa Tasman.

Không gì tuyệt vời hơn khi được ngắm nhìn vẻ đẹp hoang dã của Glenorchy trên lưng ngựa. Tôi đã sững sờ trước màu xanh “có một không hai” của nước hồ Pukaki và Tekapo. Đi dạo trên những đồng cỏ xanh rì của Núi Cook, nhìn ngắm đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng mờ ảo trong những tầng mây và lần đầu chèo kayak trên sông băng Tasman là những trải nghiệm hoàn hảo, kết thúc chuyến road trip của chúng tôi.
Hành trình
- Ngày 1 & 2: Thành phố Christchurch
- Ngày 3: Đồi Castle, thị trấn Arthur’s Pass (149km)
- Ngày 4: Greymouth và Punaikaiki (140km)
- Ngày 5: Sông băng Franz Joseph (217km)
- Ngày 6: Wanaka (286km)
- Ngày 7: Te Anau (240km)
- Ngày 8: Milford Sound (118km)
- Ngày 9: Queentowns (288km)
- Ngày 10: Arrowtown (20km) và những vườn nho lân cận
-
Ngày 11: Glenorchy (46km)
-
Ngày 12-13: Aoraki/ Núi Cook (287km), dòng sông băng Tasman
- Ngày 14: Christchurch (307km)
(* Khoảng cách tính theo bản đồ google)
Ngày 11: Glenorchy (46km)
Glenorchy là một thị trấn nhỏ nằm ẩn mình bên bờ phía bắc của hồ Wakatipu, cách Queenstown khoảng 46km, nổi tiếng là thiên đường của những người yêu thích các hoạt động ngoài trời. Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ đáng kinh ngạc của vùng đất này đã được chọn làm một trong những bối cảnh chính cho phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” và phim”Narnia”. Hồ Wakatipu bình yên kết hợp hài hòa với rừng sồi nguyên sinh và tầng lớp núi đồi tạo nên một không gian kì vĩ, ảo diệu.

Cưỡi ngựa, chèo thuyền kayak, leo núi, đi hiking là những hoạt động khá phổ biến ở Glenorchy. Vốn đang tập tành học cưỡi ngựa chuẩn bị cho chuyến chinh phục thảo nguyên Mông Cổ vài tháng sau đó, nhóm chúng tôi rất hào hứng chọn tour cưỡi ngựa ở Glenorchy.

Lần đầu tiên áp dụng những kiến thức được học trong một không gian thiên nhiên rộng lớn, khá tương đồng với địa hình ở Mông Cổ, mặc dù chỉ thả bộ và phi nước kiệu, chúng tôi cũng cảm thấy rất tự tin và thoải mái trên lưng ngựa. Ngựa ở New Zealand cao hơn rất nhiều so với ngựa Việt Nam nên chúng tôi phải dùng bục mới có thể leo lên lưng ngựa.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Glenorchy trên lưng ngựa quả là một trải nghiệm tuyệt vời. Khung cảnh vùng Glenorchy thật hùng vĩ với những đồng cỏ bao la xanh ngát, những dòng suối nhỏ trên phong nền là những cánh rừng sồi thẳng tắp và các dãy núi sừng sững. Bầu trời trong xanh với những áng mây trắng càng làm tăng thêm vẻ đẹp như tranh của phong cảnh thiên nhiên nơi đây.
Tạm biệt Glenorchy hoang sơ hùng vĩ, chúng tôi tiếp tục hành trình đến vùng núi Cook, ngọn núi cao nhất của New Zealand. Chúng tôi đã ngẩn ngơ trước 2 hồ nước ngọt đẹp tuyệt trần – Hồ Pukaki và Hồ Tekapo. Tôi chưa từng nhìn thấy màu xanh nào kì lạ đến thế. Mặc dù đã đi qua rất nhiều hồ nước ở đảo Nam của New Zealand, hồ nào cũng mênh mông, tĩnh lặng và trong xanh, nhưng màu nước ở 2 hồ này thì quá khác biệt, không diễn tả được, dường như không có thật.

Hồ Pukaki là hồ nước tôi yêu thích nhất trong toàn bộ hành trình, không chỉ vì màu nước độc đáo của nó, mà còn vì khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục xung quanh. Lái xe chạy dọc bờ Hồ Pukaki là những giây phút khó quên khi nhìn ngắm sắc xanh huyền ảo ấy lung linh ở mọi góc nhìn. Dãy núi Cook phủ tuyết trắng hiện lên mờ ảo từ phía xa làm tăng thêm vẻ hùng vĩ cho phong cảnh nơi đây.

Hồ Tekapo cách đó không xa cũng mang một màu xanh tuyệt đẹp tương tự. Có lẽ vì cả hai đều nằm gần vùng núi Cook, trong khu vực những dòng sông băng rộng lớn nhất của New Zealand nên chịu ảnh hưởng của cùng cấu trúc địa chất, tạo nên màu xanh “độc nhất vô nhị” này.

Nhà thờ bằng đá Good Shepherd là điểm nhấn duyên dáng của hồ Tekapo. Nhà thờ cổ kính trông thật bé nhỏ trong khung cảnh thiên nhiên bao la yên bình của hồ Tekapo và lớp lớp núi đồi phía xa. Không chỉ là nơi cầu nguyện của người dân địa phương, nhà thờ này còn là nơi tham quan nổi tiếng của du khách.

Ngày 12-13: Aoraki/ Núi Cook (287km) và sông băng Tasman
Hai ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đến với công viên quốc gia Aoraki/ núi Cook. Được mệnh danh là vùng đất lởm chởm của đá và băng, nơi đây hội tụ những đỉnh núi cao nhất (trên 3500m) và những dòng sông băng dài nhất ở New Zealand. Làng Aoraki/ Núi Cook nằm trong lòng công viên quốc gia là nơi khởi hành cho tất cả các hoạt động dã ngoại tại vùng núi này.

Đi trekking ở thung lũng Hooker giống như dạo bước trên mây. Tôi có thể cảm nhận phong cảnh thiên nhiên bằng tất cả các giác quan của mình: hít thở hương đồng nội của cỏ cây, lắng nghe tiếng dòng sông băng chảy ầm ầm, để mặc cho những cơn gió mạnh táp vào rát mặt và phóng tầm mắt để tận hưởng cảnh vật hiện ra một cách ngoạn mục theo từng bước chân.
Tôi đã từng nhìn thấy sông băng Aletsch kì vĩ ở dãy núi Alps của Thụy sĩ, nhưng sông băng có nước chảy siết thì lần đầu tiên nhìn thấy ở đây – Sông băng Tasman. Dòng nước màu trắng như sữa nhìn rất độc đáo và khác lạ.

Lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm chèo thuyền kayak trên sông băng Tasman. Những giây phút ban đầu chúng tôi khá vất vả và căng thẳng để lèo lái con thuyền không va vào những tảng băng đang trôi. Chỉ cần chạm nhẹ, các tảng băng sẽ vỡ vụn, tan thành nước. Ở gần bờ lại là nơi có nhiều tảng băng nhất nên chúng tôi loay hoay mãi mới ra khơi được.
Sau khi đã làm quen với dòng nước và phối hợp nhịp nhàng trong việc điều khiển kayak, chúng tôi bắt đầu thư giãn, vừa chèo thuyền vừa ngắm nhìn phong cảnh có một không hai này.

Hành trình lái xe của chúng tôi kết thúc tại thành phố Christchurch, sau đó chúng tôi bay qua Auckland để nối chuyến bay về Việt Nam.
Hãy xem đoạn video ngắn bên dưới và cùng chúng tôi khám phá hành trình những ngày này.